Mùa mưa năm 2016 tại các tỉnh Nam Trung Bộ - Tây Nguyên kéo dài bất thường hơn những năm trước nên lượng rau, củ, quả sản xuất tại khu vực này thiếu hụt. Trong thời gian mưa lũ, giá của một số mặt hàng này tăng cao hơn từ 3 - 4 lần so với ngày thường. Đà Nẵng được cho là thị trường lớn của các mặt hàng rau, quả từ các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Lâm Đồng... nhưng trong những ngày cuối năm Bính Thân số lượng các sản phẩm từ các tỉnh Tây Nguyên vào Đà Nẵng giảm nhiều hơn so với các năm trước. Thay vào đó, các sản phẩm từ khu vực phía Bắc được nhập vào Đà Nẵng nhiều hơn.
Phó Giám đốc Công ty Quản lý Hội chợ triển lãm và các Chợ Đà Nẵng Mai Phước Ba cho biết: “Năm 2016 thời tiết thất thường, tại các nguồn cung nông sản là sản phẩm rau, quả truyền thống cho Đà Nẵng như Đà Lạt năm nay cũng thiếu sản phẩm tiêu thụ tại chỗ. Tuy nhiên không vì thế mà các sản phẩm nông sản cung ứng cho Đà Nẵng trở nên khan hiếm, các tiểu thương đã nhanh chóng tìm ra các mối hàng mới từ miền Bắc. Vì vậy, đến thời điểm hiện tại nguồn cung ổn định nên giá cả đã trở về bình thường một số mặt hàng giá còn xuống thấp hơn so với thời gian mưa lũ”.Theo Chi Cục quản lý thị trường TP Đà Nẵng, hàng năm thành phố tiêu thụ khoảng 70.000 - 80.000 tấn sản phẩm nông sản. Trong đó, sản phẩm nông sản tại chỗ khoảng 16.000 tấn, còn lại là nhập từ các tỉnh thành trong cả nước và nhập khẩu từ nước ngoài. Sở dĩ sản lượng sản xuất tại chỗ của Đà Nẵng thấp là do diện tích đất nông nghiệp của thành phố không có nhiều, trong tổng diện tích khoảng 7.000ha đất sản xuất nông nghiệp tập trung ở một số quận huyện phía tây thành phố như Hòa Vang, Cẩm Lệ... nên sản lượng cung ứng rau, củ, quả hàng năm không đáp ứng được với nhu cầu tiêu thụ lớn trên địa bàn thành phố.Tuy nhiên, không vì thế mà các mặt hàng nông sản thiết yếu tại Đà Nẵng trong dịp giáp Tết xảy ra nhiều biến động về giá. Khảo sát tại một số chợ đầu mối lớn của Đà Nẵng như: Chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Đầu Mối trong tuần, giá các loại hàng hóa như: Gạo, đường, dầu ăn, mì tôm, các loại thịt, cá không có sự tăng giá. Về thực phẩm duy nhất có Cá thu loại I (cắt lát) giá tăng 20.000 đồng/kg khoảng 10% so với tuần trước (từ 200.000 đồng/kg tăng lên 220.000 đồng/kg)Các sản phẩm rau, củ, quả cũng ở mức ổn định, giá bán dao động tùy theo phân loại sản phẩm, rau cải xanh từ 13.000 - 20.000 đồng/kg; Xà lách (Đà Lạt) từ 20.000 - 35.000 đồng/kg; Khoai tây Đà Lạt từ 25.000 - 35.000 đồng/kg... Riêng cam sành loại I giá giảm khoảng 5.000 đồng/kg (từ 40.000 đồng/kg xuống 35.000 đồng/kg)Theo ghi nhận thì số lượng hàng hóa nông sản nhập vào Đà Nẵng bình quân khoảng 450 tấn/tuần. Nhưng số lượng không ổn định theo các tuần, ở những tuần rơi vào ngày Rằm, Mùng 1, số lượng hàng có thể tăng khoảng 50% so với tuần thường.Hiện nay, tình hình thời tiết tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã dần ổn định, lượng cung hàng hóa cũng lớn hơn do các tỉnh phía Bắc nhập vào nhiều, người dân sẽ không phải lo lắng về tình trạng khan hiếm hàng hóa nông sản trong dịp Tết.Ông Mai Phước Ba cho biết thêm: “Nếu như thời tiết cứ ổn định như thế này đến hết Tết Nguyên đán Đinh Dậu thì giá các loại hàng hóa nông sản, thủy hải sản trên địa bàn Đà Nẵng sẽ không có sự tăng giá bất thường kể cả trong dịp Tết và dự báo một số hàng hóa sẽ giảm giá ở trong thời gian này”Cũng theo đại diện của Công ty Quản lý Hội chợ triển lãm và các Chợ Đà Nẵng trong khoảng 3 năm trở lại đây giá bán các mặt hàng nông sản, thủy sản trên địa bàn Đà Nẵng luôn ở mức ổn định, không có sự biến động lớn.