Hàng trăm nông dân trở thành diễn viên trong vở diễn của Việt Tú

Theo VOV.vn
Chia sẻ Zalo

140 người nông dân xứ Đoài, ban ngày đi làm, đến chiều tối trở thành các diễn viên trên sân khấu đặc biệt của đạo diễn Việt Tú.

 Lần đầu tiên ở Việt Nam, trên mảnh đất cổ tích, vùng núi Sài – Chùa Thầy, gần 150 nông dân chất phác thuần hậu, đã cùng nhau trải qua hàng nghìn giờ tập luyện miệt mài trong suốt một năm qua để bước ra sân khấu lớn nhất của đời mình. 
 Họ kể câu chuyện về cuộc sống - lao động - sinh hoạt, về tình yêu, về đức hiếu học - đạo nghĩa, về mối gắn kết giữa con người - thiên nhiên vùng đồng bằng Sông Hồng với nền văn minh lúa nước nghìn năm lịch sử trên nền sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam.
 Vở diễn thực cảnh đầu tiên của Việt Nam, 'Thủa ấy xứ Đoài' là câu chuyện cổ tích về cuộc sống sinh hoạt làng quê Bắc Bộ từ nghìn năm trước, lấy cảm hứng dàn dựng từ các tích trò rối nước dân gian như: Tễu Giáo trò, Hội làng, Nông nghiệp cấy cày, Vinh qui bái tổ… 
 Đạo diễn Việt Tú (tác giả vở diễn về nghi lễ hầu đồng 'Tứ phủ' của Đạo Mẫu, góp phần vào hành trình đưa Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ trở thành Di sản văn hoá phi vật thể nhân loại UNESCO) là người đã lên ý tưởng dàn dựng vở diễn này trong gần 2 năm qua. 
 Vở diễn diễn ra trên một sân khấu lần đầu tiên có tại Việt Nam, tái hiện lại nguyên bản không gian cổ tích với rặng tre, cây đa, bến nước, sân đình, kết hợp diễn xuất của hơn 140 người nông dân vùng Sài Sơn.
 Vở diễn thực cảnh đầu tiên của Việt Nam 'Thủa ấy xứ Đoài' lấy thực cảnh thiên nhiên làm sân khấu biểu diễn với khán đài 2000 chỗ ngồi, tựa lưng vào cánh đồng lúa bát ngát, mặt hướng về ngọn núi Thầy huyền thoại, giữa khung cảnh bao la, rộng mở, là một sân khấu mênh mông hơn 3000m2 mặt nước. 
 Thấp thoáng sau lũy tre, những mái ngói rêu phong ẩn hiện, vừa gần, vừa xa, khung cảnh cổ tích được phục dựng công phu, chăm chút từng chi tiết, hầu hết phần trình diễn đều diễn ra trên mặt nước sương khói kỳ ảo, ekip cộng sự hàng trăm chuyên gia trong nước, quốc tế.
 Vở diễn thực cảnh đầu tiên của Việt Nam là một một tác phẩm văn hoá, du lịch vô cùng đặc sắc của đạo diễn Việt Tú & ekip. Tác phẩm này không chỉ mang lại những giá trị về nghệ thuật, mà còn cả những giá trị nhân văn to lớn.
 Một trong những điểm độc đáo của vùng đất Sài Sơn chính là nghệ thuật múa rối nước. Cho nên dùng không gian nước vừa tạo ra vẻ đẹp tự nhiên, vừa tạo ra sự mát mẻ, thoáng đãng, phù hợp với nhu cầu giải trí về văn hóa, phát huy được thế mạnh về cảnh quan cũng như các tiết mục.
 Việc tham gia của người dân Sài Sơn vào tác phẩm này không chỉ là một giải pháp nghệ thuật bởi không gì dân gian bằng người dân mà còn mang lại lợi tích cho người dân. Họ biểu diễn với lòng tự hào về chính miền đất, di sản văn hóa của mình.
 
 
 
 
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần