Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàng Việt vươn xa ngoạn mục

Ánh Ngọc thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt các chương trình xúc tiến thương mại (XTTM) để hỗ trợ DN kết nối tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường.

Hàng Việt vươn xa ngoạn mục - Ảnh 1

Đó là chia sẻ của Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú với Kinh tế & Đô thị về những đóng góp quan trọng của công tác XTTM vào sự phục hồi ngoạn mục của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022.

Linh hoạt chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại

Việc Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động XTTM trong năm 2022 có ý nghĩa như thế nào đối với sự phục hồi kinh tế đất nước và DN Việt Nam, thưa ông?

- Ngay từ đầu năm 2022, các hoạt động XTTM được đẩy mạnh nhằm góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu; đồng thời tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, sức cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ trong trung và dài hạn. Đây cũng là một trong những giải pháp thiết thực của Bộ Công Thương thực hiện chỉ đạo của Chính phủ nhằm tập trung triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Các hoạt động XTTM đã giúp DN Việt Nam nắm bắt sớm ngay từ đầu năm các thông tin, cơ hội thị trường để có cơ hội và kế hoạch tìm kiếm, hợp tác với các đối tác kinh doanh, phát triển thị trường phù hợp. Qua đó từng bước phục hồi sản xuất và các hoạt động xuất nhập khẩu với các thị trường trên thế giới, tiếp tục giữ vững các thị trường truyền thống, phát triển các thị trường xuất khẩu mới.

Kết quả của các hoạt động XTTM đã đóng góp không nhỏ vào bức tranh xuất nhập khẩu của cả nước. Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, 11 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 673,7 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 342,19 tỷ USD; nhập khẩu đạt 331,51 tỷ USD. Cán cân thương mại thặng dư tới 10,68 tỷ USD, vượt xa con số 4 tỷ USD của cả năm 2021.

Ông có thể cho biết những điểm mới trong công tác tổ chức XTTM năm 2022 so với giai đoạn trước?

- Bộ Công Thương ưu tiên các chương trình XTTM trung hạn đối với một số ngành hàng xuất khẩu có tiềm năng, có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, các hoạt động XTTM được thiết kế phù hợp với mỗi đối tượng, ngành hàng và thị trường trong từng giai đoạn, đồng bộ với việc tận dụng cơ hội và thực hiện các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Các hoạt động nâng cao năng lực XTTM sẽ gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu, nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển xuất khẩu bền vững, giúp DN Việt Nam từng bước tham gia vào những khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thời gian qua, XTTM trên môi trường số đã trở thành giải pháp có hiệu quả để hỗ trợ DN kết nối với thị trường trong bối cảnh dịch bệnh, phù hợp với tiến trình chuyển đổi số quốc gia và xu thế thương mại quốc tế. Vì vậy trong năm 2022, Bộ Công Thương đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động XTTM tới các địa phương, hiệp hội và cơ quan liên quan.

Khách hàng thăm quan gian hàng thủ công của Hà Nội trong hội chợ xúc tiến thương mại năm 2022. Ảnh: Công Hùng
Khách hàng thăm quan gian hàng thủ công của Hà Nội trong hội chợ xúc tiến thương mại năm 2022. Ảnh: Công Hùng

“Bà mối” kết nối thị trường cho doanh nghiệp

Cụ thể, Bộ Công Thương đã có hoạt động nào hỗ trợ DN XTTM, tìm kiếm và mở rộng thị trường?

- Đó là tăng cường cung cấp thông tin hai chiều về nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, các quy định liên quan của các nước trên thế giới đến DN sản xuất, nhà cung ứng, DN xuất khẩu, hệ thống phân phối, tổ chức XTTM, các nhà nhập khẩu nước ngoài. Một số hoạt động điển hình như: Chuỗi trên 60 Chương trình tư vấn, cung cấp thông tin cho địa phương, hiệp hội, DN Việt Nam về thị trường xuất - nhập khẩu trên thế giới; Chuỗi Hội nghị giao ban XTTM với các thị trường ngoài nước có sự tham gia tích cực của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở trên 50 khu vực thị trường nước ngoài.

Đặc biệt, các hoạt động XTTM đều ứng dụng công nghệ số như các chương trình giao thương trực tuyến xuất khẩu, hội chợ triển lãm trực tuyến, đưa hàng hóa địa phương giao dịch trên các kênh thương mại điện tử uy tín trong nước và nước ngoài, hướng dẫn triển khai ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc Itrace 247 trên sản phẩm.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tổ chức chuỗi các Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến tiêu thụ sản phẩm của các địa phương tại 3 miền Bắc, Trung, Nam nhằm thúc đẩy tiêu dùng nông sản nội địa, kết nối DN sản xuất với các nhà bán lẻ, kênh siêu thị, sàn thương mại điện tử… Mặt khác, Bộ tiếp tục duy trì tổ chức các chương trình XTTM trực tiếp có quy mô lớn như hội chợ triển lãm, giao thương tại thị trường trọng điểm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc EU, Mỹ... nhằm hỗ trợ các DN Việt Nam đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu chính ngạch.

Trong bối cảnh nhiều khó khăn mới từ xung đột địa chính trị trên thế giới đang ảnh hưởng tới hoạt động thương mại toàn cầu, ông có khuyến nghị gì với các DN Việt Nam?

- XTTM trên môi trường số ngoài việc mang lại nhiều lợi thế về thời gian, chi phí và tương tác thì cũng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro về xác thực thông tin mà những DN ít kinh nghiệm có thể chưa nhận biết được. Đặc biệt, ngoài việc làm chủ các kỹ năng XTTM trên môi trường số, DN cũng cần linh hoạt vận dụng và phối kết hợp các hình thức trực tiếp và trực tuyến để luôn có được góc nhìn đa chiều về khách hàng, thị trường và tăng năng lực chủ động ứng phó với các tình huống trong kinh doanh.

Bên cạnh đó, các DN cần chủ động chia sẻ nhu cầu về thông tin thị trường, tích cực phối hợp với tổ chức XTTM xây dựng kế hoạch và tham gia triển khai hoạt động XTTM, đảm bảo hoạt động này sát thực, khả thi, hiệu quả. DN cũng cần quyết tâm, mạnh dạn đầu tư kinh phí cho XTTM trong và ngoài nước, nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự làm công tác XTTM, nhằm chuyên nghiệp hóa năng lực thực thi và tối đa hóa hiệu quả các hoạt động XTTM.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

"Giai đoạn 2021 – 2025, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ DN nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh, sản xuất bám sát tín hiệu thị trường, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, về quy cách sản phẩm và thị hiếu của thị trường. Đồng thời, có cơ chế, chính sách duy trì và phát triển bền vững tại các thị trường xuất nhập khẩu truyền thống; đàm phán, mở cửa thêm các thị trường mới cho hàng hóa xuất khẩu tiềm năng và thế mạnh của Việt Nam." - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú