Tháo gỡ điểm nghẽn
Hiện nay, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đang gặp phải nhiều khó khăn. Một trong những thách thức lớn nhất là sự xuống cấp nghiêm trọng của nhiều di sản do thời gian và tác động của con người. Dù nhận thức được tầm quan trọng của bảo tồn, nguồn lực tài chính và nhân sự chuyên môn vẫn còn hạn chế, khiến nhiều di sản không được bảo vệ đúng cách hoặc kịp thời.
Mặt khác, quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế tạo ra áp lực lớn lên không gian văn hóa truyền thống. Những xung đột giữa bảo tồn và nhu cầu hiện đại hóa thường dẫn đến việc xâm phạm, thu hẹp không gian di sản, thậm chí làm mất đi giá trị nguyên bản của chúng.
Thêm vào đó, ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ di sản vẫn chưa cao. Nhiều hành vi xâm hại, như lấn chiếm di tích, buôn bán cổ vật trái phép hay tổ chức các hoạt động không phù hợp trong không gian văn hóa vẫn diễn ra thường xuyên.
Đáng nói, hệ thống pháp luật và chính sách liên quan đến bảo tồn di sản vẫn còn nhiều chồng chéo và thiếu đồng bộ. Sự không nhất quán giữa các quy định của Luật Di sản văn hóa với những luật khác, như Luật Đất đai hay Luật Xây dựng, đã gây cản trở cho việc quản lý và bảo vệ di sản. Đồng thời, biến đổi khí hậu và những tác động của thiên tai như lũ lụt, bão đang đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn tại của các di tích lịch sử và không gian văn hóa.
“Giải quyết những bất cập này không chỉ đòi hỏi chiến lược dài hạn và bền vững, mà còn cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, chuyên gia, cộng đồng và khu vực tư nhân. Luật Di sản văn hoá ban hành lần đầu tiên năm 2001. Vì thế, sửa đổi Luật Di sản văn hóa là rất cần thiết để di sản không chỉ là quá khứ, mà còn là tài sản quan trọng để định hình tương lai, kết nối truyền thống với sự phát triển của dân tộc trong thời đại mới” - PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết.
Đặt di sản vào trung tâm chính sách phát triển
Chiều 23/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, trong dòng chảy đô thị hóa và toàn cầu hóa, di sản văn hóa đứng trước nguy cơ bị lãng quên. Những thay đổi trong luật lần này là một nỗ lực mạnh mẽ nhằm bảo vệ các giá trị đó trước sự bào mòn của thời gian và áp lực kinh tế. Đây không chỉ là hành động bảo tồn, mà còn là cách để đặt di sản vào trung tâm của các chính sách phát triển, biến di sản thành nguồn cảm hứng, thành sức mạnh mềm thúc đẩy sự sáng tạo và hội nhập quốc tế.
Việc sửa đổi luật còn phản ánh tầm nhìn chiến lược về hòa hợp giữa bảo tồn và phát triển. Các quy định mới không chỉ tập trung vào bảo vệ mà còn mở rộng cơ hội để cộng đồng tham gia vào công cuộc gìn giữ và phát huy giá trị di sản. Cộng đồng không chỉ là đối tượng thụ hưởng mà trở thành chủ thể, là trái tim của các hoạt động bảo tồn. Điều này không chỉ khơi dậy tinh thần trách nhiệm mà còn xây dựng mối liên kết bền vững giữa con người và di sản, giúp mỗi người dân tự hào hơn về cội nguồn văn hóa của mình.
Luật sửa đổi cũng thể hiện sự đồng bộ hóa với hệ thống pháp luật hiện hành và các cam kết quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam sánh vai với các quốc gia trên thế giới trong việc bảo vệ giá trị văn hóa nhân loại.
Quan trọng hơn cả, việc sửa đổi luật lần này khẳng định rằng di sản văn hóa không chỉ là quá khứ, mà còn là hiện tại và tương lai. Nó không chỉ tồn tại trong các hiện vật, công trình, mà còn sống động trong tinh thần, trong cách chúng ta kể câu chuyện của mình cho thế giới. Sự tương tác giữa con người và di sản, giữa bảo tồn và đổi mới, chính là cách chúng ta giữ gìn bản sắc, định hình tương lai và để lại dấu ấn không phai mờ cho các thế hệ mai sau.
"Sự thay đổi không chỉ là về luật pháp mà như một lời nhắc nhở đầy cảm hứng: văn hóa là trái tim của dân tộc, việc bảo vệ di sản văn hóa, truyền thống dân tộc chính là bảo vệ linh hồn Việt Nam trường tồn cho một kỷ nguyên vươn mình của đất nước” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.