Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hành vi bạo lực gia đình: Phải xử lý nghiêm

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, trong 10 năm qua, việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực gia đình được triển khai đa dạng, sâu rộng đến phụ nữ và trẻ em. Những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này cũng được xử lý nghiêm.

 Hội viên Hội LHPN quận Thanh Xuân chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc. Ảnh: Thái San
Thay đổi nhận thức, hành vi
Theo Sở Tư pháp Hà Nội, hàng năm, đơn vị đã tích cực tham mưu cho UBND TP ban hành chương trình, kế hoạch về công tác PBGDPL trên địa bàn TP. Đồng thời, phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) TP, Ban Dân tộc TP tổ chức hội nghị tuyên truyền PBGDPL cho phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, dân tộc miền núi, thiểu số về Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới… nhằm thay đổi nhận thức, hành vi về bạo lực gia đình. Qua đó góp phần tiến tới xóa bỏ bạo lực gia đình và nâng cao nhận thức về truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam.
Mỗi năm, Sở Tư pháp tổ chức từ 15 - 20 hội nghị cho khoảng 6.000 hòa giải viên ở cơ sở tuyên truyền về Luật Hòa giải ở cơ sở và tập huấn kỹ năng, kiến thức pháp luật về hòa giải ở cơ sở cho các hòa giải viên của các quận, huyện, thị xã. Trong đó, tập trung vào lĩnh vực hôn nhân gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.
Bên cạnh đó, Sở thường xuyên biên soạn và in ấn tài liệu tuyên truyền pháp luật liên quan đến nội dung phòng, chống bạo lực gia đình phát hành đến cơ sở. Cụ thể, năm 2015 biên soạn phát hành 18.000 cuốn sách “Tìm hiểu pháp luật về hôn nhân và gia đình”; năm 2017 biên soạn, phát hành 7.660 cuốn Sổ tay hòa giải ở cơ sở; 22.000 cuốn sách “Tìm hiểu một số quy định của BLHS năm 2015”; năm 2018 biên soạn, phát hành 35.000 tờ gấp Tìm hiểu một số quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình…

Tuy nhiên, sự quan tâm chỉ đạo của một số quận, huyện trên địa bàn còn hạn chế, công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể ở cơ sở trong việc triển khai và tổ chức thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có nơi chưa chặt chẽ và hiệu quả chưa cao. Công tác tuyên truyền, PBGDPL cho các đối tượng, đặc biệt nạn nhân bạo lực gia đình, người dân ở vùng sâu, vùng xa còn có mức độ; nội dung sinh hoạt và hoạt động các CLB, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình chất lượng chưa cao…

Xây dựng mô hình tuyên truyền hiệu quả

Theo Hội LHPN quận Thanh Xuân, từ thực tế cho thấy, hòa giải ở cơ sở là một hình thức phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu quả. Những năm gần đây, mỗi năm trên địa bàn quận Thanh Xuân xảy ra khoảng 2 - 3 vụ bạo lực gia đình, đều được các cấp hội phụ nữ kịp thời phát hiện và giải quyết dứt điểm. Ví dụ trường hợp bị bạo hành do ghen tuông của chị Nguyễn Thị Lộc, chị Lê Thị Thu Bạch (trú tại phường Khương Đình), cả 2 chị đã đến tạm lánh tại Ngôi nhà Bình Yên. Hội Phụ nữ phường Khương Đình đã hỗ trợ các chị, đồng thời gặp gỡ gia đình để tìm hiểu nguyên nhân, từ đó tư vấn hòa giải để gia đình hòa thuận trở lại.

Cũng theo Sở Tư pháp, tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng, các giá trị đạo đức, lối sống tốt đẹp, phòng ngừa những tệ nạn tiêu cực xâm nhập vào đời sống gia đình. Đồng thời, xây dựng mô hình mới tuyên truyền có hiệu quả về phòng, chống bạo lực gia đình; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.