Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hanoitourist dấu ấn trước cơn “đại hồng thủy”

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 2 năm chèo lái con thuyền du lịch qua cơn “đại hồng thủy” của dịch bệnh Covid-19, Tổng Công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) đã ghi dấu ấn với nhiều thành tựu khó quên khi đã hồi phục được hoạt động kinh doanh ngay sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại.

Du khách thăm quan, mua đồ lưu niệm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Du khách thăm quan, mua đồ lưu niệm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Nhớ lại khoảng thời gian khó khăn do dịch Covid-19, Tổng Giám đốc Hanoitourist Nguyễn Văn Dũng không khỏi ngậm ngùi, đại dịch như một “cú đấm bồi” cho du lịch Việt Nam nói chung và Hanoitourist nói riêng nên các chiến lược ứng phó cũng phải thay đổi liên tục nhưng vẫn không phù hợp thực tế.

Trong bối cảnh đó, công ty đã cố gắng duy trì các chế độ tối thiểu cho nhân viên, DN thành viên phải áp dụng phương án sử dụng lao động làm việc online hoặc như nghỉ luân phiên, nghỉ không lương… Ở chiều ngược lại, người lao động cũng chấp nhận làm việc luân phiên để giúp DN giảm bớt áp lực tài chính, qua đó chịu đựng được tác động của dịch lâu nhất có thể.

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Vân chia sẻ, mặc dù chịu ảnh hưởng khủng khiếp của dịch Covid-19 nhưng Hanoitourist vẫn duy trì được một lượng lớn nhân sự tay nghề cao làm việc tại hệ thống khách sạn, nhà hàng, chi nhánh công ty tại các tỉnh, thành gắn bó với nghề.

“Hiện Hanoitourist vẫn duy trì nhân sự hoạt động trong cả tất cả các lĩnh vực kinh doanh khách sạn, du lịch quốc tế (Inbound), du lịch ra nước ngoài (Outbound) và du lịch nội địa. Kế hoạch lâu dài là đưa Hanoitourist hội nhập sâu vào thị trường du lịch quốc tế, qua đó đón du khách nước ngoài vào đến Việt Nam du lịch” - bà Vân chia sẻ.

Nhằm giúp ngành du lịch phục hồi, từ 15/3/2022, Chính phủ chính thức cho phép ngành du lịch được đón khách quốc tế đến Việt Nam. Tuy nhiên để thu hút khách quốc tế, khai thác thị trường nội địa đòi hỏi chính bản thân DN phải biến chuyển để thích ứng với tình hình mới.

Nhận thức rõ điều đó, Hanoitourist liên tục tiên phong đầu tư xây dựng thêm các sản phẩm dịch vụ chất lượng, hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao với việc triển khai xây dựng các sản phẩm mới như: Trà chiều tại khách sạn Dân chủ, tour đêm di tích nhà tù Hỏa Lò, Caraval Tây Bắc “Mùa Ban nở”; “Trở về Cội nguồn - Linh thiêng Đất Tổ”. Phối hợp cùng Ban quản lý Di tích Hoàng thành Thăng Long phát triển chương trình “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”...

Trong mỗi hành trình, với sự đổi mới, sáng tạo, Hanoitourist đều mang lại cho du khách cơ hội tận hưởng không chỉ vẻ đẹp phong cảnh mà còn là hương vị, sắc màu văn hóa đa dạng địa phương, bảo đảm an toàn ở mức cao nhất cho du khách.

Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái thông tin, công ty cũng đã triển khai các hoạt động chuyên sâu về xúc tiến, quảng bá thương hiệu lữ hành Hanoitourist và du lịch Việt Nam đến các thị trường quốc tế trọng điểm. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ với các cơ quan du lịch tại nhiều quốc gia, từ đó mang đến cho du khách quốc tế cơ hội khám phá điểm đến mới tại Việt Nam.

Thực tế cho thấy, trong thời gian ngành du lịch tĩnh lặng vì dịch Covid-19, Hanoitourist đã tận dụng để tập trung đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác marketing trên các ứng dụng mạng internet như: Youtube, facebook, zalo, tiktok... Tăng phối hợp cùng MobiFone xây dựng sàn thương mại điện tử du lịch, từ đó quảng bá du lịch Việt và nhận góp ý về chất lượng tour từ khách hàng, đối tác...

Với những nỗ lực không ngừng, hiện hệ thống khách sạn đã phục vụ 21.803 lượt khách, tăng 426% so với cùng kỳ năm 2021; công suất phòng bình quân 34%, bằng 105% kế hoạch năm, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2021. Các đơn vị kinh doanh lữ hành đã phục vụ 24.603 lượt khách, tăng 675% so với cùng kỳ năm 2021; với 84.773 ngày khách, tăng 720% so với cùng kỳ năm 2021.

Năm 2023, cùng với đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ tới thị trường quốc tế, Hanoitourist sẽ nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm dịch vụ đặc sắc, mới lạ, nổi bật, các chương trình khuyến mại, kích cầu dịch vụ. Tập trung ứng dụng số hóa vào công tác quản lý điều hành, bán tour online, tăng cường công tác marketing trên các ứng dụng mạng internet, qua đó từng bước góp phần phục hồi hoạt động kinh doanh, hỗ trợ ngành du lịch thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam.