Nhận khách theo đường vòng
Vòng quanh các quán karaoke trên địa bàn TP Hà Nội, dễ dàng nhận thấy quán nào cũng cửa đóng then cài, chấp hành nghiêm lệnh của Chủ tịch UBND TP Hà Nội để phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, liên hệ với một số cơ sở theo hotline đặt phòng đăng tải trên mạng, phóng viên Kinh tế & Đô thị dễ dàng nhận được các lời mời sử dụng dịch vụ, theo đường vòng. Cụ thể, sau khi liên hệ quán karaoke Titan tại 82 Trung Kính theo số điện thoại 03763692... khách hàng sẽ được thông báo có nhân viên liên hệ lại, hẹn địa điểm hát. Thực chất của việc liên hệ là kiểm tra xem khách hàng có nhu cầu hát thật hay vì các cơ quan chức năng đóng giả điều tra. Sau khi thỏa thuận, đảm bảo nguồn khách an toàn, thay vì dẫn đến 82 Trung Kính, khách hàng được dẫn vào quán karaoke trên đường Nguyễn Khang (Yên Hòa, Cầu Giấy).
Bên ngoài, quán karaoke đóng chặt cửa, thông báo nghỉ hoạt động vì dịch bệnh Covid-19. Nhưng khi có nhân viên dẫn đoàn, theo đúng giờ đã hẹn từ trước thì người phía trong sẽ mở cửa mời khách. Khác hẳn với hình ảnh im ắng bên ngoài, bên trong quán hoạt động hết công suất, các phòng hát chật người. Điều đặc biệt, không chỉ phí đồ ăn, đồ uống thu với cao gấp 4 - 5 lần giá thực, chi phí giờ hát cũng cao ngất ngưởng: Gần 600.000 đồng/giờ. Trong khi trước mùa dịch, với các quán tương tự, phí hát chỉ khoảng 200.000 - 300.000 đồng/giờ. Ngoài ra, khi thanh toán, khách hàng còn ngã ngửa với dịch vụ phụ thu 600.000 đồng/lần hát/phòng. Đem thắc mắc, khách hàng nhận được câu trả lời: Phụ thu mùa dịch!?
Không chỉ có quán karaoke trên đường Nguyễn Khang, liên hệ với quán karaoke tại 170 Nghi Tàm (Yên Phụ, Tây Hồ), phóng viên Kinh tế & Đô thị trong vai khách hàng cũng dễ dàng nhận được lời mời: “Quán đã mở cửa trở lại hoạt động bình thường, mời anh chị đến hát. Giá hát 200.000 đồng/giờ, không phụ thu”.
Kiểm tra liên tục vẫn... hoạt động
Trước phản ánh của báo Kinh tế & Đô thị về việc một cơ sở karaoke trên phố Nguyễn Khang vẫn lén lút đón khách, Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa Trần Hải Yến cho biết, tiếp thu phản ánh, UBND phường sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh. Nếu có vi phạm, các lực lượng chức năng sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và sẽ thông báo lại với báo.
Bà Trần Hải Yến cho biết thêm, trong thời gian phòng chống dịch Covid-19, UBND phường Yên Hòa đã kiểm tra xử lý 5 cơ sở vi phạm với số tiền là 52,5 triệu đồng, trong đó có 1 cơ sở karaoke. Đối với các cơ sở karaoke, UBND phường đã gửi thông báo yêu cầu nghiêm túc dừng hoạt động cho đến khi có thông báo của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, UBND phường cũng yêu cầu các cơ sở đã được tuyên truyền, ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định. Ngoài ra, UBND phường cũng thường xuyên gửi tin nhắc nhở đôn đốc các chủ cơ sở thực hiện đúng quy định, giao công an phường thường xuyên kiêm tra, xử lý nếu phát hiện vi phạm.
Cùng với phường Yên Hòa, ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của phóng viên Kinh tế & Đô thị Chủ tịch UBND phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) Hoàng Xuân Sáng cũng đã bày tỏ sẽ cho kiểm tra ngay lập tức thông tin báo nêu, nếu có vi phạm cố tình mở cửa, trái với quy định của TP thì sẽ cho xử phạt theo quy định.
Lý giải về tình trạng cố tình lén lún hoạt động, nhiều chủ cơ sở kinh doanh karaoke cho rằng, việc dừng hoạt động trong một thời gian quá dài đã khiến nhiều cơ sở điêu đứng, không có doanh thu. Dẫu biết, việc dừng kinh doanh để phòng chống dịch là việc cần thiết, song đến thời điểm này, khi thấy dịch không còn lây lan trong cộng đồng, khách hàng cũng không còn lo sợ nên chủ quán quyết định mở cửa trở lại. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải tất cả các quán karaoke trên địa bàn TP Hà Nội đều cố tình bất chấp quy định, rất nhiều chủ quán khi được liên hệ đặt phòng, đều từ chối khéo khách hàng để cùng chung cộng đồng trách nhiệm phòng chống dịch.