Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hậu Giang: Nhà máy đường Phụng Hiệp sẽ tiếp tục ép mía vào tháng 11/2021

Giang Lam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà máy đường Phụng Hiệp ở Hậu Giang (thuộc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ - CASUCO) sẽ tiếp tục hoạt động, và bắt đầu vụ ép mía vào tháng 11 tới thay vì tạm dừng sản xuất như phương án theo tờ trình trước đó của công ty…

Liên quan đến việc Hội đồng quản trị (HĐQT) CASUCO dự tính nhà máy đường Phụng Hiệp ngừng sản xuất vụ mía 2021 - 2022 mà báo Kinh tế & Đô thị đã phản ánh, ngày 3/9, nguồn tin của phóng viên cho hay, CASUCO vừa tổ chức cuộc họp.

Tại đây, HĐQT cùng các cổ đông đã thống nhất sửa chữa trang thiết bị để đưa nhà máy đường Phụng Hiệp vào vụ ép mía 2021 - 2022, chậm nhất là ngày 15/11/2021 để tiêu thụ mía cho nông dân.

Như vậy, người trồng mía ở Hậu Giang có thể thở phào, yên tâm, trước mắt là với vụ mía năm nay khi mà hàng ngàn ha mía đang gần vào vụ thu hoạch.

Thu hoạch mía ở Hậu Giang. Ảnh: G.L 

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Phụng Hiệp, niên vụ 2021 - 2022, diện tích mía toàn huyện là 4.725ha (toàn tỉnh Hậu Giang là hơn 5.000ha), giảm 173ha so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, CASUCO ký kết hợp đồng và đầu tư trực tiếp với hộ dân sản xuất mía (thông qua UBND xã) là 357 hộ, diện tích hơn 293ha. Giá sàn bao tiêu là 1.000 đồng/kg mía 10 CCS (10 chữ đường - PV) tại cầu cảng nhà máy.

Hình thức đầu tư và bao tiêu là cho dân ứng tiền mua mía giống 15 triệu đồng/ha; công ty cung cấp phân bón cho người dân tương ứng 1,4 tấn/ha, công ty sẽ trừ lại các khoản đầu tư sau khi người dân bán mía cho công ty.

Qua rà soát, dự kiến người dân bán mía nước (làm nước giải khát) khoảng hơn 1.600ha (chiếm 34% diện tích). Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 phức tạp, thời gian giãn cách xã hội kéo dài, thương lái chưa lưu thông được nhiều. Đến nay đã thu hoạch 681ha, năng suất 100 tấn/ha; giá bán từ 1.000-1.600 đồng/kg. Còn lại 928ha chưa thu hoạch được.

Như vậy, diện tích mía người dân phải bán cho công ty để ép đường là hơn 3.100ha, với sản lượng dự kiến 218.100 tấn. Phòng NN&PTNT huyện đề xuất thời gian thu hoạch từ ngày 01/9/2021 và kéo dài đến tháng 01/2022, chia làm 3 đợt.

Theo tính toán của Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, với công suất của nhà máy đường Phụng Hiệp ép được 3.000 tấn/ngày, tương ứng 30ha/ngày, so với lượng mía của huyện thì thời gian thu hoạch kéo dài trong khoảng 2,5 tháng.

Theo ngành nông nghiệp địa phương, sự nhiệt tình và kinh nghiệm của bà con trồng mía hàng chục năm qua đã góp phần phát triển vùng mía nguyên liệu. Bên cạnh đó, sự đầu tư tạm ứng vật tư nông nghiệp của nhà máy đường đã làm giảm áp lực cho người trồng mía, giúp người dân an tâm trong sản xuất, sử dụng các loại phân bón chuyên dùng cho mía để đạt sản lượng cao nhất…

Tuy nhiên, những năm gần đây, tình hình sản xuất mía ở đây gặp không ít khó khăn. Giá mía hàng năm thường không ổn định, người trồng mía không có lãi nhiều, từ đó không mạnh dạn đầu tư chăm sóc.

Việc đầu tư, ký kết hợp đồng bao tiêu chỉ một số ít, không hết diện tích mía trên địa bàn. Cán bộ công ty chưa phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện trong việc ký kết hợp đồng bao tiêu mía cho bà con, nên khó khăn trong vấn đề vận động người dân ký hợp đồng bao tiêu.

Sản xuất đa phần còn thủ công, phương tiện vận chuyển còn hạn chế làm tốn nhiều thời gian và công sức dẫn đến chi phí tăng, chất lượng mía giảm.

Riêng năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thương lái để cọc mua mía nước rất nhiều nhưng chưa thu hoạch được do khâu vận chuyển khó khăn, khâu đốn chặt phải cần nhiều nhân công trong khi giãn cách xã hội không tập trung được…