Hầu hết người Việt ở Ukraine đã được sơ tán, chưa ghi nhận thương vong

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 3/3, tại cuộc họp báo thường kỳ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời về quá trình sơ tán công dân Việt Nam tại các khu vực chiến sự ở Ukraine. 

Cụ thể, bà Hằng cho biết, tổ công tác bảo hộ công dân, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan liên quan đang phối hợp với cơ quan đại diện tại Ukraine và các nước lân cận như Hungary, Ba Lan, Slovakia, Rumani để ưu tiên đưa bà con ra khỏi vùng chiến sự và sang các nước lân cận.

Hầu hết người Việt ra khỏi Kiev, Odessa

"Tính đến trưa 3/3, hầu hết bà con người Việt Nam đã ra khỏi Kiev, Odessa, và hàng trăm người ở Khakrov đã được sơ tán khỏi vùng chiến sự và bố trí sang các nước lân cận," Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao thông tin. 

Người Việt tại Kiev được cán bộ ĐSQ Việt Nam tại Ukraine hỗ trợ di tản. Ảnh: BNG
Người Việt tại Kiev được cán bộ ĐSQ Việt Nam tại Ukraine hỗ trợ di tản. Ảnh: BNG

Trong đó, khoảng 400 người đã tới Moldova và hiện trên đường Rumani, 140 người sang Balan, 70 người sang Rumani, 33 người tới Slovkia và khoảng 30 người đã tới Hungary.

Các cơ quan đại diện Việt Nam đã hỗ trợ thủ tục, giấy tờ cần thiết cho bà con trong quá trình nhập cảnh, quá cảnh và lưu trú, phối hợp với nhà chức trách địa phương, hội đoàn người Việt Nam đón và thu xếp chỗ ăn nghỉ tạm thời, cung cấp các vật dụng cần thiết.

Bộ Ngoại giao (BNG) đã phối hợp với các bộ ngành liên quan và các hãng hàng không báo cáo thủ tướng chính phủ phương án sơ tán bằng đường hàng không cho công dân Việt Nam. Đây là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên cao nhất hiện nay của BNG cũng như các bộ ngành liên quan. 

"Chúng tôi sẽ thông báo cụ thể, chi tiết, một cách công khai, minh bạch về lộ trình, điều kiện và chi phí (nếu có) đối với các chuyến bay," bà Hằng chia sẻ. 

Liên quan đến thương vong, bà Hằng cho biết hiện chưa có thông tin về thương vong của người Việt ở Ukraine.

Việt Nam ủng hộ đối thoại giữa Nga và Ukraine

Theo bà Hằng, Việt Nam luôn theo dõi sát sao và quan ngại tình hình vũ trang ở Ukraine, ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định của khu vực và trên thế giới.

Ưu tiên hiện nay là cần kiềm chế tối đa, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực, tránh gây thương vong, nối lại đàm phán thông qua tất cả các kênh, nhằm đạt được giải pháp lâu dài, trên cơ sở phù hợp với hiến chương của LHQ và nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Lập trường này đã được nêu rõ qua phát biểu của Người phát ngôn BNG ngày 25/2 và phiên họp khẩn cấp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hợp quốc ngày 1/3.

Việt Nam cũng chia sẻ quan điểm của ASEAN trong tuyên bố của Ngoại trưởng ASEAN ngày 26/2 vừa qua, theo đó ủng hộ giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, đặc biệt nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền các quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế.

"Việt Nam kêu gọi các bên kiềm chế, tránh gây thương vong và tổn thất cho dân thường, hoan nghênh đối thoại giữa hai bên Ukraine và Nga, hy vọng mọi bên liên quan sẽ sớm đạt được giải pháp lâu dài, tính tới quyền lợi chính đáng của các bên liên quan," Người Phát ngôn BNG nói.