Chiến dịch này được kỳ vọng là nâng cao nhận thức và tìm ra các giải pháp giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm ở các nước phát triển và đang phát triển.Theo báo cáo mới nhất, UNEP cho biết, mỗi năm có khoảng 1/3 lượng lương thực, thực phẩm bị lãng phí trên toàn cầu (tương đương 1,3 tỷ tấn).
Số lương thực, thực phẩm này đủ nuôi 870 triệu người đang phải chống chọi với những cơn đói mỗi ngày. Phần lớn lượng lương thực thực phẩm bị lãng phí này hoàn toàn có thể được giảm thiểu bằng những biện pháp đơn giản. Bên cạnh đó, lượng thực phẩm lãng phí đồng thời kéo theo sự lãng phí về những nguồn năng lượng tạo ra chúng cũng như năng lượng cho quá trình vận chuyển.
Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon trong thông điệp toàn cầu nhân sự kiện này đã khẳng định, sự lãng phí trên sự mất mát và lãng phí thực phẩm là điều mà tất cả chúng ta đều có thể giải quyết được. Đồng thời kêu gọi, tất cả mọi người trong hệ thống thực phẩm toàn cầu hãy có những hành động vì môi trường bền vững và một xã hội công bằng. Dân số toàn cầu hiện nay có 7 tỷ người và dự kiến sẽ tăng lên 9 tỷ người vào năm 2050 nhưng số lượng người đói sẽ không được phép tăng. Bằng cách giảm sự lãng phí thực phẩm, chúng ta có thể tiết kiệm tiền và tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu tác động môi trường và quan trọng hơn, hướng tới một thế giới mà mọi người đều có đủ thức ăn, không ai bị đói.
Ngày Môi trường thế giới do LHQ phát động từ năm 1972. Trải qua 41 năm, dù mỗi năm có một chủ đề khác nhau, nhưng các hoạt động vì môi trường đã góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm, vì cộng đồng, quốc gia, vì bản thân và gia đình của hàng triệu triệu con người không chỉ trong một ngày, một tháng, một năm… mà là suốt cuộc đời. |