Tờ Guardian cho biết kể từ năm 2019, có hơn 1.000 vụ rò rỉ lượng lớn khí methan từ các bãi rác thải trên khắp thế giới. Trong đó, dữ liệu vệ tinh trên toàn cầu cho thấy các nước đông dân ở Nam Á, Argentina và Tây Ban Nha là những điểm nóng của hiện tượng siêu phát thải loại khí nhà kính này.
Các bãi chôn lấp rác thải phát ra khí methan khi các chất thải hữu cơ như: phế liệu thực phẩm, gỗ, thẻ, giấy phân hủy trong điều kiện không có oxy. Do đặc điểm giữ nhiệt trong khí quyển gấp 86 lần so với khí CO2 trong 20 năm, giảm phát thải khí methan đã trở thành mục tiêu quan trọng trong các chương trình hành động vì khí hậu. Các nhà khoa học cho biết lượng khí thải từ các bãi chôn lấp rác thải tự phát sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050 khi dân số đô thị tăng lên, dẫn đến những hiểm họa tiềm tàng về khí hậu trong tương lai.
Theo dữ liệu mới, tổng cộng có 1.256 vụ siêu phát thải khí methan trong quãng thời gian từ tháng 1/2019 đến tháng 6/2023. Pakistan, Ấn Độ và Bangladesh dẫn đầu danh sách các quốc gia có lượng khí rò rỉ lớn nhất, tiếp theo đó là Argentina, Uzbekistan và Tây Ban Nha.
Thủ đô New Delhi, Ấn Độ đã chứng kiến ít nhất 124 vụ phát khí thải từ các bãi chôn lấp rác kể từ năm 2020. Vào tháng 4/2022, thành phố này đối mặt với vụ ô nhiễm nghiêm trọng chưa từng có khi lượng khí methan tràn vào bầu khí quyển với tỷ lệ 434 tấn/giờ, tương đương với mức độ ô nhiễm do 68 triệu xe chạy bằng xăng đồng loạt gây ra.
Tại Pakistan, một vụ nổ gần TP Lahore hồi tháng 2 đã làm rò rỉ khí methan với tỷ lệ 214 tấn/giờ, tương đương với 34 triệu khí thải ô tô. Tại Bangladesh, việc đánh giá tình hỉnh rò rỉ khí methan rất phức tạp do việc khai thác trái phép các đường ống dẫn khí đốt xảy ra phổ biến, gây ra lượng rò rỉ khí methan khổng lồ tại các khu vực thành thị và khó có thể phân biệt được với nguồn khí thải từ các bãi chôn lấp. Trong khi đó, Argentina đang bị bủa vây bởi khí methan, với việc 100 vụ siêu phát thải khí này từ các bãi rác ở thủ đô Buenos Aires kể từ năm 2019. Điều khủng khiếp nhất đã xảy ra với đất nước Nam Mỹ này vào tháng 8/2020 khi lượng khí methan đã thải ra với tỷ lệ 230 tấn/giờ, tương đương với mức ô nhiễm được gây ra bởi 36 triệu ô tô chạy bằng xăng.
Lượng khí methan đã tăng nhanh kể từ năm 2007 và gây ra 1/3 lượng khí thải nóng trên toàn cầu, khiến khủng hoảng khí hậu ngày càng trầm trọng. Các nhà khoa học lo ngại đây sẽ là thách thức lớn nhất đối với nỗ lực của các nước trong việc giữ nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C và có thể dẫn đến việc vượt qua các điểm giới hạn, gây ra thảm họa khí hậu tàn khốc.
Việc phân hủy chất thải là nguyên nhân dẫn đến khoảng 20% lượng khí thải methan do con người tạo ra. Trong khi đó, hoạt động sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ra 40% lượng khí thải. Tờ Guardian tiết lộ rằng chỉ riêng trong năm 2022 đã có hơn 1.000 vụ siêu phát thải metan từ các mỏ dầu, khí đốt và than đá. Các cánh đồng chăn nuôi gia súc tạo ra 40% lượng khí thải còn lại.
Giáo sư Euan Nisbet, chuyên gia về khí metan tại Đại học Royal Holloway tại London, cho biết: “Sẽ không tốn kém nhiều chi phí để lấp đất trên các bãi rác thải bốc mùi đang tạo ra nhiều khí methan. Vi khuẩn trong đất sẽ chuyển khí methan thành CO2, và dần dần tiến tới việc giảm được đến 97% tác động của khí nhà kính”.
Carlos Silva Filho, chủ tịch Hiệp hội chất thải rắn quốc tế, cho biết cam kết của 150 quốc gia nhằm cắt giảm 30% lương khí thải methan vào năm 2030 sẽ không đạt được nếu không giải quyết lượng khí thải từ ngành công nghiệp xử lý chất thải.
“Cắt giảm khí methan là giải pháp duy nhất để đáp ứng mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C. Nếu chúng ta thực sự tập trung vào việc giảm lượng khí methan từ lĩnh vực quản lý chất thải thì đó sẽ là yếu tố quan trọng để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng về khí.” – ông Filho cho biết.