Giao thông rối loạn
Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành lý giải, khi có 2 trục đường ngang đấu nối từ 2 phía trái, phải vào một trục đường dọc, tuy không đủ giao cắt tạo thành một ngã tư nhưng lại ở rất gần nhau thì hình thành nên nút giao lệch. “Chưa có một khái niệm chính thức về nút giao lệch cùng mức trên đường bộ, nhưng sự tồn tại và những vấn đề phức tạp về tổ chức giao thông xung quanh mô hình này là có thực” - ông Thành nhận định.
Thực tế, nhiều tuyến đường phố trong nội thành Hà Nội đang tồn tại những nút giao lệch, ví dụ như tại ngã tư giao cắt giữa phố Chùa Hà - Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy). Tại đây, do đường Nguyễn Khánh Toàn cắt đôi phố Chùa Hà, lại nằm trong một nút giao lớn, nên một dải phân cách ngắn được đặt gần đảo giao thông, đoạn dưới chân tòa nhà Hancorp Plaza. Bất chấp nguy hiểm, nhiều phương tiện, đặc biệt là xe máy thường băng chéo qua khoảng hở giữa dải phân cách với đảo giao thông để đi ngược chiều vào phố Chùa Hà, bên phía tòa nhà Hancorp Plaza.
|
Đi ngược chiều vào phố Chùa Hà bất chấp nguy hiểm. Ảnh: Ngọc Hải |
Hoặc như trên đường Trần Phú (Hà Đông), đoạn dưới chân nhà ga Bến xe cũ Hà Đông của đường sắt Cát Linh - Yên Nghĩa hiện tồn tại một điểm mở, một bên quá gần với đường vào khu đô thị Văn Quán, một bên gần như giao trực tiếp với đường ngõ vào Tổ dân phố số 7 và đường 36m, khu đô thị Mỗ Lao, phường Mộ Lao. Phần vì quá gần với các hướng lưu thông có mật độ cao, phần vì nhiều người điều khiển phương tiện thiếu ý thức, nên tình trạng đi ngược chiều, gây rối loạn giao thông tại điểm mở nêu trên ngày càng trầm trọng. Hay như đường Lê Văn Lương (Cầu Giấy) hiện cũng có một điểm mở trước cửa nhà số 63, gần với nút giao đầu phố Nguyễn Thị Định. Vào giờ cao điểm chiều, tuyến đường thường xuyên ùn tắc do các phương tiện đi ngược chiều từ phố Nguyễn Thị Định sang phần đường Lê Văn Lương hướng đi Láng Hạ…
Theo các chuyên gia, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng UTGT tại các nút giao lệch là do những người điều khiển phương tiện thiếu ý thức, cố tình đi ngược chiều, gây cản trở giao thông. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, việc tạo ra các điểm mở như một số trường hợp nêu trên là chưa thực sự hợp lý.
Đóng điểm mở để tránh ùn tắcChỉ huy Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, vào giờ cao điểm hàng ngày, lưu lượng phương tiện khu vực nút giao Trần Đăng Ninh - Chùa Hà và đường Nguyễn Khánh Toàn rất lớn. Để tránh tình trạng đi ngược chiều, gây rối loạn giao thông có thể kéo dài dải phân cách trên đường Nguyễn Khánh Toàn đến hẳn đảo giao thông, điều chỉnh hướng phương tiện từ phía Xuân Thủy, Trần Đăng Ninh đi xuôi theo đường Nguyễn Khánh Toàn rồi vòng lại tại điểm mở trước cửa Công an phường Dịch Vọng. Tương tự, người dân cũng kiến nghị đóng hẳn điểm mở để xóa nút giao lệch trên đường Trần Phú (Hà Đông), dưới chân nhà ga Bến xe cũ Hà Đông, đường sắt Cát Linh - Yên Nghĩa. Hai đầu của điểm mở này hiện đã có 2 điểm quay đầu khác khá gần, đảm bảo lưu thông cho các phương tiện nên sự tồn tại của nó là không cần thiết và ngược lại còn dẫn đến nhiều hệ lụy cho công tác tổ chức giao thông. Có thể thấy, hiện một số điểm mở trên các tuyến đường nội thành vẫn chưa thực sự hợp lý, là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng lộn xộn, UTGT. Để khắc phục tình trạng này, cơ quan chức năng cần rà soát kỹ lưỡng, điều chỉnh kịp thời, hợp lý những điểm mở “lợi thì ít mà hại thì nhiều” để đảm bảo trật tự, ATGT.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng cần tăng cường chốt trực, xử phạt nặng các trường hợp cố ý đi ngược chiều, gây cản trở, UTGT tại các nút giao lệch. Các chuyên gia cho rằng, “đi ngược chiều” đang trở thành một căn bệnh trầm kha của bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông tại Hà Nội. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã rất tích cực tuyên truyền, vận động, xây dựng ý thức giao thông trong người dân. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người thiếu ý thức, sẵn sàng phạm luật, gây mất trật tự, ATGT, gây bức xúc và ảnh hưởng rất xấu đến tâm lý của những người tuân thủ luật.
Trên thực tế, nhiệm vụ đảm bảo giao thông trong bối cảnh hiện nay không thể chỉ trông chờ vào lực lượng CSGT hay Thanh tra Sở GTVT. Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga cho rằng: “Tại các điểm nóng thường xuyên xuất hiện tình trạng đi ngược chiều như đầu phố Chùa Hà, hay phố Nguyễn Thị Định…, nếu có sự xuất hiện duy trì trật tự của lực lượng công an phường sở tại sẽ rất có hiệu quả”.