Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiến kế giúp nông dân

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội thảo "Nhịp cầu nhà nông" do Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức ngày 29/6 tại huyện Đông Anh đã trang bị cho nông dân nhiều kiến thức bổ ích.

Đó là những giải pháp khắc phục các yếu tố bất lợi do thời tiết, dịch bệnh gây ra cho cây trồng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.

Ước mơ làm giàu từ cây hoa lan được anh Nguyễn Văn Thiện, ở xã Xuân Nộn ấp ủ từ gần chục năm nay, song vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên anh Thiện chưa thể thực hiện. Anh Thiện chia sẻ, đến với hội thảo anh muốn hiểu rõ được đặc tính của loài hoa lan để khi bắt tay vào làm mô hình không bị rủi ro. Giải đáp câu hỏi của anh Thiện, PGS.TS Đặng Văn Đông – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả T.Ư cho rằng với kỹ thuật tiến bộ như hiện nay, anh Thiện có thể dễ dàng trồng hoa lan và chắc chắn sẽ thu được lợi nhuận cao. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ, bởi trồng hoa lan công nghiệp đòi hỏi chi phí lớn (mô hình 1.000m2 tương đương 3 tỷ đồng). Vì vậy, người nông dân có thể chuyển sang trồng hoa địa lan có nguồn gốc từ rừng, vốn đầu tư ít, không tốn đất lại dễ chăm sóc tại nhà. Nếu nhân giống, trồng thành công lợi nhuận có thể gấp từ 2 – 3 lần so với trồng hoa lan công nghiệp.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp đánh giá, với thị trường rộng lớn, tiềm năng trong khi diện tích hoa lan của toàn TP Hà Nội chỉ đạt khoảng 30ha nên nông dân có thể yên tâm về đầu ra của hoa lan. Do đó, nông dân các huyện ngoại thành Hà Nội nên áp dụng phương pháp trồng hoa lan trên gỗ. Để đạt hiệu quả, cần chọn loại gỗ có độ bền cao, không tiết ra chất độc: Gỗ nhãn, gỗ lũa. Về mùa Hè, người trồng hoa cần lưu ý dùng lưới che chắn, tưới nước thường xuyên và bón dinh dưỡng cân đối cho hoa. Với kỹ thuật này, dù thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao tới 40oC thì cây hoa lan vẫn phát triển tốt cho lá xanh và hoa nhiều. Riêng hoa ly, các chuyên gia nông nghiệp khuyến cáo, nông dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích, bởi diện tích hoa ly ở miền Bắc đang phát triển với tốc độ chóng mặt.

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã hướng dẫn chi tiết, tường tận cách phòng và trị bệnh cho các loại hoa cho giá trị kinh tế cao. Trong đó có bệnh chảy gôm trên cây đào. Để phòng bệnh này, người trồng cần biết cách chọn gốc ghép, mắt ghép chống chịu sâu bệnh tốt. Bên cạnh đó, người trồng cần trồng trên diện tích đất cao, thoát nước tốt và luân canh với các loại cây trồng khác để đảm bảo sạch nguồn bệnh.

Ông Ngô Đại Ngọc – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, nhằm đáp ứng nguyện vọng của nông dân, thời gian tới, Sở tiếp tục tổ chức chương trình hội thảo "Nhịp cầu nhà nông" theo chủ đề đến các xã trên địa bàn TP.