Người tiêu dùng quan tâm Trong thời gian tham gia Hội chợ Tokyo Gift Show và tổ chức “Tuần hàng Việt Nam” (3 - 11/9), các DN Hà Nội đã trưng bày giới thiệu các sản phẩm nông sản, dệt may, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ, thực phẩm chế biến, đồ gia dụng… Lần đầu đi tiếp thị sản phẩm tại thị trường Nhật Bản, ông Vũ Đức Hoàn - Giám đốc Công ty TNHH Thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho biết: Khách hàng ban đầu còn lạ lẫm vì thương hiệu mới, nhưng do giá bán thấp hơn hàng nội địa, mẫu mã đa dạng nên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của DN nhận được sự yêu thích của người tiêu dùng (NTD). Đại diện Công ty CP Thực phẩm Hữu Nghị thông tin: Mặt hàng nông sản như thanh long, xoài được NTD ưa thích bởi chất lượng không thua kém hàng Nhật Bản nhưng giá bán rẻ hơn đến 10 lần. NTD Nhật Bản bày tỏ hy vọng trong thời gian tới, ngoài thanh long, xoài, chuối… thì vải, măng cụt sẽ có mặt tại siêu thị AEON để người Nhật có cơ hội thưởng thức hoa quả Việt Nam.
Tại buổi giao thương giữa DN Việt Nam - Nhật Bản, ông Hide Takemi - Trưởng ban Kế hoạch phát triển hàng thực phẩm của Tập đoàn AEON nêu rõ: Tháng 11/2015, AEON đã tiêu thụ xoài tươi. Từ đầu năm đến nay, AEON tiếp tục đưa thanh long, bánh tráng, phở khô, sản phẩm nhựa… lên kệ. Trong thời gian tới, AEON xây dựng một kế hoạch dài hạn để đưa hàng Việt vào hệ thống siêu thị. Bà Nguyễn Thị Mai Anh - Phó Giám đốc HPA cho biết: Trong thời gian tham gia Hội chợ Tokyo Gift Show, các DN thủ công mỹ nghệ Hà Nội đã ký kết nhiều hợp đồng xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Nhật Bản, như Công ty TNHH Mây tre đan Hòa Bình đã ký kết 3 hợp đồng xuất khẩu trị giá gần 60.000USD. Đặc biệt, Công ty TNHH LC Home ký kết 3 hợp đồng trị giá gần 160.000 USD qua đó xuất khẩu sản phẩm gốm Bát Tràng sang thị trường Nhật Bản, Australia… Thay đổi cách tiếp cận Nhiều người cho rằng, để thâm nhập sâu vào thị trường Nhật đòi hỏi DN Việt Nam phải quan tâm đến thói quen sinh hoạt, ý thích của người Nhật, từ đó sản xuất mặt hàng phù hợp. Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho thấy, mặt hàng nông sản, trái cây tươi, rau của Nhật Bản hiện chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu nội địa; diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm nên nhu cầu nhập những mặt hàng này sẽ rất lớn. Tuy nhiên, Nhật Bản kiểm soát rất chặt chẽ khâu ATTP và chất lượng nên việc đưa trái cây tươi vào thị trường này phải đáp ứng được những tiêu chí rất chặt chẽ. Điều đó cho thấy để xuất khẩu hoa quả tươi vào thị trường Nhật Bản, DN Việt Nam phải cải thiện từ khâu chọn giống, sản xuất đến bảo quản sau thu hoạch, đóng gói và vận chuyển... Tại hội thảo tư vấn thiết kế sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ sang thị trường Nhật Bản do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, bà Yoko Kawaguchi - Chủ tịch Hiệp hội Hợp tác Nhật Bản nêu rõ: Vấn đề lớn nhất của hàng thủ công Việt Nam vẫn là kiểu dáng, màu sắc phải phù hợp. Người Nhật hiện nay sống trong các chung cư chật hẹp nên không thể mua những sản phẩm trang trí kích thước lớn. Hàng thủ công Việt Nam thường được trang trí bằng quá nhiều màu sắc rực rỡ trong khi người Nhật thích cuộc sống thân thiện với môi trường… Nếu không cải tiến sản phẩm phù hợp tâm lý NTD thì hàng thủ công mỹ nghệ khó có thể tiêu thụ nhiều như mong muốn. Điều đó thấy, mặc dù sản phẩm Việt đã được NTD Nhật Bản đón nhận, nhưng muốn mở rộng thị trường tiêu thụ, DN nên chuyển từ thói quen tới Nhật Bản tìm đối tác mua hàng sang tìm hiểu nhu cầu thị trường, từ đó đưa ra sản phẩm phù hợp thị hiếu NTD.
Người tiêu dùng Nhật Bản mua hàng Việt tại hội chợ Tokyo Gift Show. Ảnh: Hoài Nam |