Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiểu nhầm thẩm định thành kiểm định

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Như Kinh tế & Đô thị đã đưa tin về việc trường Đại học (ĐH) Tôn Đức Thắng và Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội không hợp tác thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng (ĐBCL) theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, đại diện Bộ GD&ĐT đã trả lời báo chí xung quanh vấn đề này.

TS Lê Mỹ Phong - Phụ trách Phòng Kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD), Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: Mục đích thẩm định, xác nhận các điều kiện ĐBCL là phản ánh khách quan, trung thực những điều kiện ĐBCL cơ bản hiện có của trường ĐH. Qua đó, giúp các trường ĐH khẳng định điều kiện ĐBCL trước xã hội; tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và gia đình chọn trường; xã hội biết và giám sát. Việc thẩm định và xác nhận các điều kiện ĐBCL cũng thể hiện trách nhiệm của nhà trường. Khi công khai các điều kiện ĐBCL không đồng nghĩa với tất cả các trường đã được thẩm định, xác nhận đều đạt tiêu chuẩn.
 Ảnh minh họa
Thông tin về việc không hợp tác thẩm định và xác nhận các điều kiện ĐBCL, đại diện trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường phải kiểm định theo hệ thống của mình là tước quyền tự chủ của trường. Trong khi Đảng và Nhà nước khuyến khích các trường kiểm định quốc tế. Về việc này, ông Lê Mỹ Phong khẳng định chưa bao giờ Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường phải thực hiện kiểm định theo hệ thống của Bộ. Các trường đã nhầm lẫn khi cho rằng hoạt động thẩm định và xác định các điều kiện ĐBCL thực hiện theo Kế hoạch số 203/KH-BGDĐT là KĐCLGD. Bởi, thẩm định và xác định các điều kiện ĐBCL không phải là kiểm định.

Về việc trường ĐH Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội viện lý do đang kiểm định nội bộ nên không hợp tác với Trung tâm KĐCLGD – ĐH Đà Nẵng để đánh giá ngoài, ông Phong phản hồi: Theo quy định của Luật Giáo dục ĐH, nhà trường được lựa chọn một trong số các tổ chức KĐCLGD đã được Bộ GD&ĐT công nhận để kiểm định chất lượng. Bộ GD&ĐT chỉ phân công Trung tâm KĐCLGD – ĐH Đà Nẵng thẩm định và xác nhận các điều kiện ĐBCL của trường ĐH Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội, chứ không kiểm định. Hai trường này đã không phân biệt được hoạt động thẩm định và xác nhận các điều kiện ĐBCL với KĐCLGD.

“Nói kiểm định trong nước trường nào cũng đạt nên không tín nhiệm”, thậm chí “kiểm định trong nước là chuyện tào lao” là những nhận xét thiếu căn cứ, không đúng thực tiễn và đi ngược lại với những nỗ lực của các trường ĐH Việt Nam trong quá trình đổi mới” - ông Phong cho hay. Bởi trước khi đánh giá ngoài một trường ĐH, Trung tâm KĐCLGD phải thẩm định về hình thức và nội dung các báo cáo tự đánh giá.

Xung quanh vấn đề này, GS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, thẩm định và xác định các điều kiện ĐBCL là việc chung, vì thế các trường nên hợp tác. Khi thực hiện hoạt động này, nếu kết quả chưa chính xác, nhà trường có thể đưa ra ý kiến trong buổi tổng kết. Nếu trường đào tạo có chất lượng, cơ sở vật chất đáp ứng thì không lo việc kiểm định. Thực ra, lâu nay hoạt động KĐCLGD của Bộ GD&ĐT làm không chắc, quy trình chưa chính xác. Vì thế, cứ nói đến thẩm định, kiểm định là người ta không tin. "Về việc 2 trường không hợp tác, Bộ GD&ĐT nên tìm hiểu rõ lý do để có những quy định quy củ, trật tự" - GS Phạm Tất Dong chia sẻ.