Thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội, từ ngày 1/7/2021, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị gắn với phát huy dân chủ nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phù hợp với tính chất đô thị, hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Quận ủy Hoàn Kiếm đã chỉ đạo HĐND, UBND quận bám sát các nghị quyết, kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương, Thành phố để chủ động triển khai thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại 18 phường với một số kết quả nổi bật.
Cụ thể, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về sự cần thiết phải của thực hiện mô hình chính quyền đô thị được nâng lên. Mối quan hệ giữa cơ quan hành chính phường với các cấp ủy Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tại phường có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, đồng bộ hơn. Quyền dân chủ và giám sát của nhân dân được bảo đảm, tăng cường hình thức giám sát trực tiếp của nhân dân hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức chính trị - xã hội.
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt các quy định của Trung ương, Thành phố về việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị; kịp thời nắm bắt, định hướng tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách phường, tổ dân phố, các phòng chuyên môn tạo sự ổn định trong toàn quận.
100% các phường đã ban hành quy chế làm việc của Đảng ủy, quy chế làm việc của UBND phường theo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Đảng ủy phường đã lãnh đạo UBND, Chủ tịch UBND phường thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng được giao, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, thách thức, với ý chí quyết tâm, hành động quyết liệt, quận Hoàn Kiếm đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Kinh tế quận Hoàn Kiếm đã dần phục hồi và duy trì đạt mức tăng trưởng khá, thu ngân sách luôn vượt kế hoạch và tăng cao so với cùng kỳ với mức tăng bình quân năm là 22%. Riêng trong năm 2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn quận đạt 14.732 tỷ đồng, đạt 131% dự toán, bằng 105,2% so với năm 2021.
Tổ chức bộ máy chính quyền phường được tinh gọn nhưng vẫn đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Công tác sắp xếp cán bộ thực hiện mô hình chính quyền đô thị được thực hiện công khai, dân chủ, đúng quy trình, quy định góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả công việc được thông suốt, “rõ người, rõ việc”.
Công tác giải quyết các vấn đề liên quan đến người dân và doanh nghiệp được thực hiện nhanh gọn, đặc biệt là mô hình “Các Thủ tục hành chính không chờ”. Qua thời gian thực hiện, đến nay hơn 70% hồ sơ thực hiện tại các bộ phận một cửa các phường đều được thực hiện và trả ngay đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân tạo “điểm nhấn” thay đổi rõ nét trong công tác CCHC khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị.
Quận Hoàn Kiếm đã hoàn thành xây dựng và đang tổ chức thực hiện mô hình “Số hóa, xây dựng, cải tiến các quy trình ISO về giải quyết TTHC và giải quyết công việc nội bộ trên môi trường điện tử tại UBND quận Hoàn Kiếm”.
Việc ứng dụng chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính đã đem lại kết quả rõ rệt được Thành phố ghi nhận, đánh giá cao thông qua chỉ số CCHC tăng dần hằng năm, đến năm 2022 đã vươn lên xếp thứ nhất trong tổng số 30 quận huyện, thị xã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính quyền, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả thí điểm mô hình chính quyền đô thị, phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định yêu cầu các đơn vị tập trung cao độ, thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 97 của Quốc hội và Nghị định số 32 của Chính phủ, Kế hoạch của Thành ủy, Quận ủy gắn với Đề án số 15 của Thành ủy về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội” để triển khai thực hiện hiệu quả việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 18 phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Thứ hai, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của UBND các phường. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tập trung chỉ đạo làm tốt công tác chuẩn bị để triển khai thực hiện thí điểm Mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp phường trong năm 2023.
Thứ ba, rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ, nhất là các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra, các chương trình công tác của cấp ủy để quyết tâm thực hiện đạt kết quả cao, nhất là các chỉ tiêu, nhiệm vụ liên quan đến công tác xây dựng chính quyền.
Thứ tư, nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực để phục vụ nhân dân một cách tốt nhất, hiệu quả nhất. Tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 28-KL/TW ngày 21/02/2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với việc tổ chức sắp xếp các đơn vị hành chính cấp phường đảm bảo tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo chỉ đạo của Trung ương, Thành phố.
Thứ năm, nâng cao chất lượng công tác xây dựng và lập dự toán kinh phí hoạt động của UBND phường đảm bảo bao quát hết các nhiệm vụ chi trong năm ngân sách. Tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế, kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan hành chính và cơ chế hoạt động tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định; phấn đấu đảm bảo 100% đơn vị thực hiện tiết kiệm chi thu nhập tăng thêm cho người lao động hằng năm.
Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm tra của Đảng, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền phường. Tổ chức tốt hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND với Nhân dân trên địa bàn phường theo đúng quy định để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân. Quan tâm giải quyết kịp thời các kiến nghị của Nhân dân, mối quan hệ công tác giữa UBND, Chủ tịch UBND phường với HĐND, Thường trực HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND quận theo quy định.