Tuy nhiên, đến nay sau hơn một năm kể từ khi quyết định trên có hiệu lực, tại nhiều tuyến phố đã xuất hiện các điểm trông giữ xe ngang nhiên hoạt động, như chưa hề có quy định này.
Điểm trông giữ xe tại 16A Ngô Quyền, Hà Nội.Ảnh: Tùng Nguyễn
Có quy định nhưng vẫn lộn xộnKhảo sát trên nhiều tuyến phố thuộc 9 quận như phố Huế, Hàng Bài, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Kim Mã, Ngô Quyền,… có thể nhận thấy tình trạng xe máy, xe đạp và ô tô ngang nhiên đỗ, dừng tràn lan trên vỉa hè, dưới lòng đường tái diễn từ lâu, bởi các điểm trông giữ xe vẫn hoạt động rất nhộn nhịp.
Dọc con phố Nguyễn Xí, Đinh Lễ (quận Hoàn Kiếm), các hộ gia đình sinh sống xung quanh chia nhau từng khoảng vỉa hè phía đối diện, sát cạnh Bộ LĐTB&XH, để trông giữ xe cho khách muốn vào mua sách tại hiệu sách Tràng Tiền, làm việc tại Bộ hoặc những công sở nằm trên phố Ngô Quyền,... Trên các tuyến phố như Lý Thái Tổ, Ngô Quyền, Phan Chu Trinh, Hai Bà Trưng,… nhiều điểm trông giữ xe có trưng biển thông báo điểm trông giữ xe. Nhưng lạ là những tấm biển này không hề có ngày tháng cấp phép, diện tích cũng như thời gian sử dụng (?!).
Tại một số điểm trông giữ xe được Sở GTVT cấp phép, việc tiếp nhận gửi xe diễn ra khá tùy tiện. Phương tiện được bố trí tràn lan ra phần đường vượt quá không gian diện tích đã đăng ký. Trong khi doanh nghiệp tận thu thì nhân viên cũng tranh thủ... kiếm thêm. Công ty CP Anh Duy (phố Bùi Thị Xuân) hiện sở hữu hai điểm trông giữ xe trên phố Lê Đại Hành và Tô Hiến Thành, tuy nhiên bên cạnh việc trông giữ xe cho nhân viên của hai đơn vị là Techcombank và Công ty CP Vật giá theo tháng, nhân viên công ty cũng nhận trông xe cho các đơn vị lân cận.
Nhân viên bảo vệ của Ngân hàng Dầu khí sẵn sàng trông xe cho khách vào làm việc tại Bộ Công Thương, hay tại Triển lãm 16A Ngô Quyền, được cấp phép để trông giữ xe cho cán bộ công nhân viên cơ quan, nhưng khách quá giang có nhu cầu vẫn có thể gửi với mức giá từ 3.000 - 5.000 đồng/lượt (tùy người gửi). Điều này vô hình trung khiến mật độ phương tiện trông giữ trên vỉa hè các tuyến phố trở nên dày đặc hơn, ảnh hưởng không nhỏ tới mỹ quan đường phố và gây khó khăn đến việc đi lại của người dân.
Khách phải trả phí cao hơn mức quy định tại điểm trông giữ xe 16A Ngô Quyền.
Nhiều trăn trở
Dù hiện nay không ít địa điểm trông giữ xe trong khu vực nội đô còn lộn xộn. Song, không thể phủ nhận quy định cấm trông giữ xe đã và đang mang lại những hiệu quả tích cực. Trên những tuyến phố của Hà Nội như Đinh Tiên Hoàng, Bà Triệu, Xã Đàn, Nguyễn Chí Thanh,… vỉa hè đã trở nên thông thoáng hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc cấm trông giữ xe trên 268 tuyến phố nội đô cũng gây ra ít nhiều khó khăn cho người dân. Ông Phạm Văn Đức (thị xã Sơn Tây), đưa con đi khám bệnh tại Viện Mắt T.Ư loay hoay mãi không biết gửi xe ở đâu. Bởi tất cả các điểm trông giữ xe trên phố Bà Triệu, Nguyễn Du đều không nhận do hết chỗ. Ông Đức phải chấp nhận gửi ở nhà dân gần đó với giá 10.000 đồng/lượt. Tương tự, không ít khách hàng muốn vào Trung tâm thương mại Vincom (Bà Triệu) mua bán, giải trí, hiện phải dắt xe gần 300m tới phố Lê Đại Hành hoặc gửi tại nhà dân với giá từ 10.000 - 15.000 đồng/lượt.
Hiện, toàn thành phố có khoảng 230 điểm trông giữ xe đã đăng ký. Nhưng số lượng này chỉ có thể đáp ứng phần nào nhu cầu trông giữ phương tiện khi số lượng phương tiện giao thông ngày một tăng. Nhiều ý kiến cho rằng, TP nên tiếp tục rà soát lại các điểm không ảnh hưởng nhiều tới giao thông đô thị để cấp phép, nhất là các khu vực xung quanh bệnh viện, cơ quan ngoại giao, công sở… Đồng thời, xem xét nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện có, bố trí thêm những điểm trông giữ xe mới, bãi đỗ nhiều tầng,… nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.