Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiệu quả kép khi tưới nước rửa đường

Hà Ánh - Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu Sở Xây dựng và các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện tưới nước rửa đường, nhất là trong các ngày có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức xấu trở lên, nhằm giảm phát tán bụi… Theo các chuyên gia, sau một thời gian tái khởi động tưới nước rửa đường kết quả cho thấy đây là việc làm cần thiết nhằm cải thiện môi trường.

Xe rửa đường hoạt động bên Hồ Gươm và vùng phụ cận. Ảnh: Võ Hải
Sạch đường, sạch không khí
Nhiều năm qua, Hà Nội là một trong những đô thị có tốc độ đô thị hóa cao nhất cả nước. Từ quận trung tâm đến các huyện ngoại thành luôn có rất nhiều công trình tổ chức thi công. Trong quá trình thi công, việc làm phát sinh bụi bẩn, bùn đất ra các tuyến đường, khu dân cư là điều khó tránh khỏi. Điều này càng trở lên nhức nhối khi chất lượng không khí (CLKK) Thủ đô nhiều thời điểm ở mức “báo động đỏ”. Song theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội ) hơn một tháng trở lại đây – thời điểm Hà Nội bắt đầu tái khởi động việc rửa đường, CLKK Hà Nội thường xuyên ở mức tốt, không có khu vực nào ở mức kém hay xấu. Đặc biệt, với những ngày trời nắng gắt 38 - 39 độ C, tất cả các khu vực trên địa bàn TP, chỉ số AQI đều duy trì ở mức tốt, số ít ở mức trung bình.
Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, từ ngày 11/6 cho đến nay, tất cả các trạm quan trắc không khí trên địa bàn TP đều có chỉ số AQI ở mức tốt và trung bình. Điển hình, từ 5 – 15/7, tại các trạm quan trắc không khí nền đô thị như Trung Yên 3, Kim Liên, Tân Mai, Mỹ Đình và Tây Mỗ đều có 100% số ngày CLKK ở mức tốt. Đối với những trạm quan trắc nội đô như Hoàn Kiếm, Hàng Đậu và Thành Công, CLKK cũng có xu hướng tốt. Riêng 2 điểm quan trắc CLKK giao thông tại Minh Khai và Phạm Văn Đồng - những khu vực chịu nhiều tác động từ các phương tiện giao thông, chỉ số CLKK cao nhất tại 2 trạm này đều ở mức trung bình và có 2 ngày ở mức tốt… 
Triển khai rộng
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, thực tế cho thấy, việc rửa đường không chỉ làm sạch thêm các tuyến phố, khuếch tán ô nhiễm mà đã và đang giúp cải thiện các chỉ số AQI rất nhiều. Đơn cử, tại các quận nội thành cũ như Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng... việc tổ chức rửa đường thường xuyên đã giúp các chỉ số AQI từng bước được cải thiện, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân. Do đó, khi TP có văn bản đồng ý về chủ trương sẽ tiến hành rửa đường tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP, người dân rất phấn khởi.
Bà Nguyễn Thị Dung (huyện Hoài Đức), người thường xuyên di chuyển qua tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long cho biết, trên tuyến đường này hay xuất hiện những xe chở vật liệu quá khổ, quá tải hoạt động. Trong quá trình di chuyển, có phương tiện không che chắn cẩn thận làm rơi vãi bùn, đất khiến khu vực này lúc nào cũng chìm trong bụi. “Nếu được rửa đường thường xuyên, tình trạng bụi bay mù mịt chắc chắn sẽ giảm đáng kể” – bà Dung cho biết.
Ông Trần Văn Khải – Phó Giám đốc Chi nhánh Cầu Diễn (Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội) – đơn vị thường xuyên được giao đảm bảo vệ sinh môi trường tại các sự kiện lớn của Thủ đô và đất nước chia sẻ, khi tiếp nhận nhiệm vụ đảm bảo VSMT tại các sự kiện lớn, ngoài việc bố trí lực lượng, máy móc, đơn vị cũng tiến hành tưới nước rửa đường xung quanh khu vực tổ chức các sự kiện. Mặc dù chi phí rửa đường không nằm trong gói thầu, kế hoạch (không được thanh toán kinh phí - PV) nhưng đơn vị vẫn cân đối thu chi để thực hiện nhằm đảm bảo các tuyến đường luôn sạch sẽ, giảm thiểu hơi nóng bốc lên từ mặt đường trong những ngày nắng gắt.
Để duy trì và đảm bảo môi trường trong lành, bên cạnh việc tưới nước rửa đường, người dân khi tham gia giao thông cần tuân thủ triệt để Luật Giao thông đường bộ, hạn chế ùn tắc, giảm phát thải ra môi trường. Chủ đầu tư các công trình xây dựng cần tăng cường việc phun nước để giảm phát thải bụi ra môi trường. Đồng thời lực lượng chức năng phải xử phạt thật nặng đối với chủ phương tiện chở vật liệu xây dựng để rơi vãi ra đường...