Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiệu quả kép trong điều hành kinh tế

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2017 tăng 0,13% so với tháng trước. Đây được đánh giá là mức khá thấp dù đã cận kề tháng cuối năm.

Nhờ vậy, CPI bình quân từ đầu năm đến nay chỉ tăng 3,61% góp phần không nhỏ trong việc kiểm soát lạm phát.
Có tác động không nhỏ từ điều hành tiền tệ

Thống kê cho thấy, CPI 11 tháng năm nay đã tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống - nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất (36,12%) tổng chi tiêu của người dân cho tiêu dùng đã giảm 1,57%; đặc biệt thực phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất (22,6%) sau 11 tháng năm nay còn bị giảm (3,44%), trong khi cùng kỳ năm trước tăng khá cao (3,46%). Một số mặt hàng khác, mức tăng cũng thấp hơn tốc độ chung, như đồ uống và thuốc lá, may mặc, giày dép, thiết bị và đồ dùng gia đình, văn hóa, giải trí và du lịch...

Nguồn: Tổng cục Thống kê

CPI bình quân 11 tháng năm nay tuy cao hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng do thấp dần từ các kỳ trước, nên tính chung 11 tháng vẫn khá thấp và là tín hiệu khả quan cả năm sẽ đảm bảo mục tiêu mà Nghị quyết của Quốc hội đề ra là 4%. Kết quả trên đạt được do nhiều yếu tố. Yếu tố trực tiếp và có tầm quan trọng hàng đầu là điều hành tiền tệ. Mặc dù tăng trưởng tín dụng cao hơn ngay từ đầu năm, một lượng tiền VND khá lớn đưa ra để mua vào USD (đến 7 tỷ USD)... nhưng lạm phát cơ bản (không tính giá lương thực, thực phẩm, năng lượng, các dịch vụ do Nhà nước định giá...) 11 tháng năm nay thấp hơn cùng kỳ năm trước. Nói cách khác, sức ép của tiền tệ đối với CPI không nhiều.

Yếu tố quan trọng thứ hai là tác động của tỷ giá. Tỷ giá VND/USD sau 11 tháng giảm 0,07%, bình quân 11 tháng tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước (1,53% so với 2,36%), điều đó cho thấy tỷ giá VND/USD khá ổn định.

Hiệu quả ngày càng rõ nét

Đánh giá sự ổn định này hiện có hai luồng ý kiến. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng VND đã lên giá so với USD và như thế là cao giá, tác động tiêu cực đến xuất/nhập khẩu. Do vậy cần có sự phá giá đối với VND. Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, tuy VND lên giá, nhưng không cao giá và không tác động tiêu cực tới xuất/nhập khẩu. Tỷ giá thương mại (tính bằng cách chia chỉ số giá xuất khẩu cho chỉ số giá nhập khẩu) từ năm 2014 đến nay liên tục ở mức trên 100%, tức là có lợi cho xuất khẩu hơn là có lợi cho nhập khẩu (năm 2014 đạt 102,18%, 2015 đạt 102,15%, năm 2016 đạt 103,72%, 9 tháng năm 2017 đạt 101,87%). Tỷ giá ổn định góp phần vào việc lượng ngoại tệ mua được trên thị trường cao hơn nhiều so với số thặng dư cán cân thanh toán quốc tế (trong 10 tháng là 7 tỷ USD so với 4 tỷ USD), góp phần đưa dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục mới (46 tỷ USD), cao hơn so với 39 tỷ USD đạt được ở cuối năm 2016).

Yếu tố quan trọng, cơ bản của lạm phát là quan hệ cung - cầu. Tổng cung (thể hiện chủ yếu là tốc độ tăng của GDP) đã có xu hướng cao lên qua các quý; trong khi tốc độ tăng của tổng cầu (gồm vốn đầu tư và tiêu dùng cuối cùng) tuy có cao lên, nhưng về quy mô tuyệt đối vẫn còn thấp hơn tổng cung.

Một yếu tố khác đó là năng suất lao động (yếu tố sâu xa và tiềm ẩn của lạm phát) năm nay đã có sự cải thiện nhất định. Suất đầu tư tăng trưởng năm nay thấp hơn con số tương ứng của năm trước (5 lần so với 5,3 lần), tức là hiệu quả đầu tư cao hơn. Tốc độ tăng năng suất lao động năm nay cao hơn năm trước (tăng trên 6% so với 5,3%).

Một yếu tố nữa là tâm lý. Những mặt hàng thiết yếu của đời sống tăng thấp, thậm chí có loại còn giảm; giá USD ổn định; chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã giảm xuống... Bên cạnh đó, tư duy điều hành tiếp tục chuyển từ kiềm chế lạm phát tăng sang kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Tăng trưởng đạt được mục tiêu, lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu - đó là kết quả kép.