Qua 9 tháng triển khai mô hình (từ tháng 4 - 12/2012), các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% cá giống, vật tư, thức ăn công nghiệp, chế phẩm sinh học và lấy đối tượng cá rô phi làm chính. Để tận dụng được tối đa các tầng nước, cá được thả theo công thức 70% rô phi cộng thêm 30% các loại cá khác như: Trôi, trắm, chép, mè... Trước khi thả giống, các hộ đều được các cán bộ TTKN tập huấn kỹ thuật, chăm sóc phòng trừ dịch bệnh cho đàn cá vào đúng thời điểm. Bên cạnh đó, việc sử dụng chế phẩm sinh học EMC giúp các hộ xử lý được môi trường nước (2 tuần/lần) giúp đàn cá phát triển đồng đều, chất lượng được nâng cao rõ rệt.
Ông Nguyễn Văn Đại cho biết, toàn xã hiện có 69ha diện tích chuyển đổi các mô hình đa canh với 285 hộ, trong đó có 37 hộ trang trại chăn nuôi lớn cho hiệu quả kinh tế gấp 1,5 - 2 lần các mô hình khác. Tuy nhiên, hiện các hộ đang gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn vay, thiếu nguồn nước cung ứng, thị trường đầu ra không ổn định, quỹ đất hạn hẹp, hầu hết các hộ đều tự phát nhỏ lẻ. Nhằm khắc phục những khó khăn trên, ngoài việc phối kết hợp với các trạm khuyến nông, phòng Kinh tế huyện tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, quy trình kỹ thuật chăn nuôi, xã đã tăng cường cùng Ngân hàng Chính sách, Ngân hàng Nông nghiệp hỗ trợ đảm bảo các hộ yên tâm sản xuất. Trong thời gian tới, ngoài việc nhân rộng mô hình cá - lúa sử dụng chế phẩm sinh học trên địa bàn, xã kiến nghị huyện và TP tiếp tục quan tâm giải ngân kinh phí hỗ trợ xã quy hoạch vùng sản xuất tập trung, phối hợp cùng các ban ngành tổ chức các lớp tập huấn hỗ trợ kiến thức chăn nuôi, phổ biến áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm phấn đấu hướng tới năng suất cao cho các mô hình.