Hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ nhà ở

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngân sách Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng 1 căn nhà, theo phong tục tập quán của địa phương, đối với hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số và người Kinh sống ở thôn, xã đặc biệt khó khăn chưa có nhà ở, hoặc nhà ở bị dột nát, hư hỏng.

Ủy ban Dân tộc vừa ban hành Thông tư 02/2022/TT-UBDT hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025.

Theo đó, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số - miền núi, hộ nghèo là dân tộc Kinh sinh sống ở thôn, xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số - miền núi chưa có nhà ở hoặc nhà ở bị dột nát, hư hỏng.

Hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn sẽ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở. (Ảnh minh họa).
Hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn sẽ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở. (Ảnh minh họa).

Ngân sách Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng 1 căn nhà theo phong tục tập quán của địa phương. Nội dung hỗ trợ áp dụng theo quy định tại điểm c khoản 5 Mục III Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 90/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương, căn cứ nguyện vọng của đối tượng thụ hưởng, UBND cấp xã vận động các hộ gia đình tự tổ chức xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở đảm bảo yêu cầu về diện tích, chất lượng theo quy định. Trường hợp người dân không thể tự xây dựng nhà ở, UBND cấp xã tổ chức xây dựng đảm bảo yêu cầu về diện tích, chất lượng theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, Thông tư 02/2022/TT-UBDT cũng quy định về việc hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho những đối tượng này. Cụ thể, nếu các hộ gia đình sống bằng nghề nông, lâm nghiệp chưa có đất sản xuất, có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất, thì được chính quyền địa phương xem xét hỗ trợ trực tiếp bằng đất sản xuất hoặc thiếu trên 50% đất sản xuất theo định mức quy định của từng địa phương, có nhu cầu chuyển đổi nghề, hỗ trợ đất sản xuất, nhưng không bố trí được đất sản xuất, thì được xem xét, hỗ trợ chuyển đổi nghề.

Trường hợp địa phương còn quỹ đất để sản xuất được, mà không cần phải thực hiện cải tạo đất, thì UBND cấp huyện căn cứ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện giao đất hỗ trợ cho các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách chưa có đất sản xuất theo quy định của pháp luật về đất đai. Nhưng Nhà nước sẽ không hỗ trợ kinh phí từ ngân sách và vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo quỹ đất sản xuất. Đồng thời, được xem xét, hỗ trợ mua sắm máy móc, nông cụ, làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, học nghề, chuyển đổi sang làm ngành nghề trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh khác.

UBND cấp xã tổng hợp nhu cầu, phân loại theo từng phương thức thực hiện (mua sắm máy móc, nông cụ, làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, học nghề, chuyển đổi sang làm ngành nghề trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh khác) căn cứ vào danh sách hộ dân được cấp có thẩm quyền phê duyệt, gửi phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện, cơ quan công tác dân tộc cấp huyện kiểm tra, báo cáo UBND cấp huyện quyết định mức hỗ trợ cho từng hộ dân và thực hiện thanh quyết toán theo quy định hiện hành.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2022.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần