Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hồ nước tự nhiên nâng tầm hạ tầng xanh cho đô thị hiện đại

PHƯƠNG DUNG (THEO INHABITAT)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để đảm bảo sự phát triển bền vững cũng như chất lượng cuộc sống cho cư dân đô thị, các nước phát triển rất coi trọng việc tôn tạo cảnh quan hồ nước, không gian xanh trong khu trung tâm của các thành phố lớn.

Bên cạnh những yếu tố tích cực,quá trình đô thị hóa cũng đang có những tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến đời sống con người. Nhiều cư dân đô thị có cảm nhận rằng, sự đầy đủ về vật chất hay việc được sống trong các phố phường tấp nập, sầm uất thôi không mang lại cho họ cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn.
Người dân mong muốn chính quyền các cấp tại những thành phố lớn tạo ra những giá trị bền vững thông qua việc giúp họ được trở về với thiên nhiên càng nhiều càng tốt. Trở về với thiên nhiên, sống gần gũi với không gian mặt nước rộng lớn là cách để người dân thư giãn, mang đến những giá trị cuộc sống bền vững cho hiện tại và cho những thế hệ tương lai.
Để đảm bảo sự phát triển bền vững cũng như chất lượng cuộc sống cho cư dân đô thị, các nước phát triển rất coi trọng việc tôn tạo cảnh quan hồ nước, không gian xanh trong khu trung tâm của các thành phố lớn.
 Hồ trữ nước Marina Barrage là con đập bắc qua miệng kênh Marina do chính phủ Singapore xây dựng.
Với mong muốn nâng khái niệm hạ tầng xanh lên một tầm cao mới, Singapore trực tiếp đưa các công trình hồ nước lớn vào dịch vụ đô thị, đưa người dân đến gần hơn với thiên nhiên.
Phương pháp này được minh họa rõ bằng những công viên hồ điều hòa rộng lớn, sử dụng tối đa các công trình hạ tầng xanh để phục vụ đời sống sức khỏe và tinh thần của người dân như hồ trữ nước Marina Barrage với một tiểu lưu vực rộng đến 10.000 ha hay hồ nước trong công viên công viên Bishan rộng 62 ha.
Hồ trữ nước Marina Barrage là con đập bắc qua miệng kênh Marina do chính phủ Singapore xây dựng để tạo ra hồ chứa nước nhân tạo thứ 15 ở nước này. Khánh thành vào ngày 31/10/2008 với chi phí 2,2 tỷ USD, công trình phục vụ ba mục đích là tạo ra nguồn cung cấp nước ngọt, kiểm soát ngập lụt và tạo cảnh quan thu hút du khách.
 Mỹ xây dựng nhiều hồ lớn nhỏ trong Công viên Central Park rộng 341 ha tại Manhattan, New York. 
Trong khi đó tại Mỹ, người ta xây dựng nhiều hồ lớn nhỏ trong Công viên Central Park rộng 341 ha tại Manhattan, New York. Nhìn từ trên cao, công viên trung tâm giống như một lá phổi xanh khổng lồ của thành phố New York. Công viên này được thiết kế với hệ thống cảnh quan cây xanh cùng nhiều hồ nước xanh mát. Đến đây, người dân có cảm giác như lạc bước vào khu vườn rộng lớn với những hàng cây, thảm cỏ xanh mướt, bờ hồ thơ mộng, con đường rợp lá trải vàng.
Central Park còn sở hữu vẻ đẹp đa dạng của 4 mùa trong năm. Đặc biệt, vào mùa Xuân, Central Park như một bản tình ca lãng mạn với sắc hoa anh đào nở rộ, mặt nước tĩnh lặng trong trẻo của khu hồ nhân tạo xung quanh.
 Tây Hồ là một hồ nước ngọt lớn tại Trung Quốc, được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Trung Quốc thì có danh thắng Tây Hồ thuộc thành phố Hàng Châu rộng 639 ha, là một trong những danh thắng đẹp và nổi tiếng nhất tại Trung Quốc. Tây Hồ là một hồ nước ngọt lớn tại Trung Quốc, được UNESCO công nhận là di sản thế giới, rộng khoảng 6.4 km², chu vi dài 15km.
Hồ được chia ra 3 phần bởi ba con đê ngăn là đê Tô, đê Bạch và đê Dương Công. Hồ cũng được chia thành 5 hồ nhỏ gọi là Ngoại Tây Hồ, Lí Tây Hồ, Hậu Tây Hồ, Tiểu Nam Hồ và Nhạc Hồ.