Hỗ trợ các tổ chức sản xuất rừng và trang trại hoạt động hiệu quả

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại tại Việt Nam đã và đang giúp các tổ chức của người sản xuất rừng và trang trại, trở thành những tác nhân thay đổi cảnh quan chống chịu biến đổi khí hậu, cải thiện sinh kế cho người dân địa phương.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệm giữa các tổ chức sản xuất rừng và trang trại với chủ đề “Hãy bảo vệ tương lai chúng ta: Hỗ trợ cho người dân địa phương đa dạng hóa để phục hồi trước biến đổi khí hậu và an ninh lương thực”, do Trung ương Hội nông dân Việt Nam phối hợp với Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc tổ chức.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Báo cáo tại hội thảo cho thấy, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, diện tích rừng của Việt Nam hiện có hơn 14,7 triệu ha, trong đó có gần 10,2 triệu ha rừng tự nhiên, hơn 4,5 triệu ha rừng trồng, độ che phủ rừng là 42,1% và hơn 3,1 triệu ha rừng đã được giao cho các hộ gia đình thực hiện chính sách của nhà nước về quản lý, bảo vệ diện tích rừng tự nhiên.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, đại biểu người sản xuất đã cùng chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các sáng kiến nhằm tăng cường sự hợp tác giữa các bên trong việc hỗ trợ các tổ chức sản xuất rừng và trang trại hoạt động hiệu quả, thúc đẩy các mô hình kinh doanh toàn diện, công bằng và thích ứng với biển đổi khí hậu, liên kết chuỗi giá trị rừng và trang trại.

Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn phát biểu tại hội thảo.
Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn phát biểu tại hội thảo.

Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn khẳng định, phát triển lâm nghiệp và sử dụng đất bền vững được coi là một trong các yếu tố hạt nhân trong việc thực hiện thành công cam kết đưa tổng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.

Việt Nam đã và đang cùng các quốc gia, cộng đồng quốc tế và Liên Hợp quốc nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về biến đối khí hậu, Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) với mục tiêu hợp tác giải quyết các thách thức toàn cầu, nỗ lực cùng hành động nhằm xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường và khí hậu trái đất.

Các cam kết mạnh mẽ và ý kiến đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra những cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu. 

“Thời gian qua, Hội Nông dân Việt Nam tích cực triển khai tới hơn 10,2 triệu cán bộ, hội viên nông dân cả nước việc phát triển nền kinh tế xanh. Đó là phát triển một nền kinh tế nâng cao đời sống con người và cải thiện công bằng xã hội; xây dựng mô hình mẫu về “nông nghiệp xanh”; nhân rộng các mô hình tiên tiến và hỗ trợ thực hiện có hiệu quả các mô hình sản xuất nông lâm kết hợp” - ông Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.

Đại diện Ban lâm nghiệp - Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên Hợp quốc (FAO) phát biểu tại hội thảo.
Đại diện Ban lâm nghiệp - Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên Hợp quốc (FAO) phát biểu tại hội thảo.

Theo đại diện Ban lâm nghiệp - Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên Hợp quốc (FAO) tại Việt Nam, Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại là mối quan hệ đối tác do FAO chủ trì với các đối tác quốc tế đồng quản lý, để hỗ trợ tổ chức sản xuất rừng và trang trại phát triển những mô hình kinh doanh toàn diện thích ứng với biến đổi khí hậu và cải thiện sinh kế người dân. Hoạt động này góp phần thay đổi cảnh quan thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững mà các quốc gia đang thực hiện.

Triển khai từ năm 2015, Hội Nông dân Việt Nam là đối tác chính thức thực hiện Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn 1 tại Việt Nam, và tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của Chương trình từ năm 2019 đến nay.

Mục tiêu chính của chương trình là giúp các tổ chức của người sản xuất rừng và trang trại, trong đó có phụ nữ, thanh niên và người dân tộc thiểu số trở thành các tác nhân thay đổi chủ yếu đối với cảnh quan chống chịu biến đổi khí hậu và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương.