Hỗ trợ kinh phí cho công tác kiểm định thực phẩm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - An toàn thực phẩm (ATTP) trong bếp ăn tập thể tại các trường học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo VSATTP TP và ngành giáo dục Hà Nội trước thềm năm học mới.

Đây cũng là một vấn đề được nhiều bậc phụ huynh quan tâm và lo lắng.

Sức khỏe tốt, dạy - học hiệu quả

Theo thống kê của Sở GD&ĐT, chỉ riêng các bếp ăn bán trú tại các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn TP đã lên tới con số 1.410, trong đó có tới 1.087 trường tự tổ chức nấu ăn tại trường, chưa kể có nhiều trường THPT không tổ chức ăn bán trú cho học sinh (HS) nhưng vẫn nấu ăn cho giáo viên. Chính vì vậy, đảm bảo ATTP luôn là mối ưu tiên hàng đầu trong việc chăm sóc sức khỏe cho cả thầy và trò của mỗi nhà trường. Qua khảo sát thực tế tại bếp ăn của một số trường cho thấy, các mô hình bếp ăn không giống nhau, song lãnh đạo các nhà trường đều khẳng định, ATTP trong các bữa ăn là một vấn đề được quan tâm và chú trọng không kém việc nâng cao chất lượng dạy và học.
Khu nhà bếp đảm bảo vệ sinh tại trường Mầm non A, quận Hoàn Kiếm.	 Ảnh: Phạm Hùng
Khu nhà bếp đảm bảo vệ sinh tại trường Mầm non A, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Hùng
Tại trường Tiểu học Tây Đằng B (huyện Ba Vì), “Xanh, sạch, an toàn” là tiêu chí đầu tiên của nhà trường khi tổ chức bếp ăn bán trú. Ông Nguyễn Chí Sang - Hiệu trưởng cho biết, nhà trường đã được UBND huyện, Trung tâm Y tế huyện kiểm tra và cấp chứng nhận bếp ăn an toàn. Khu vực chế biến thức ăn và chia suất ăn được thiết kế hệ thống bếp một chiều và luôn được vệ sinh sạch sẽ, gọn gàng. Với nguồn thực phẩm đầu vào, nhà trường đã xem xét và lựa chọn ký hợp đồng với những đơn vị cung ứng có uy tín, có đầy đủ giấy chứng nhận ATTP của các cơ quan chức năng. Ông Sang cũng cho biết, theo định kỳ, nhà trường sẽ phối hợp cùng Trung tâm Y tế, Phòng GD&ĐT huyện kiểm tra, lấy các mẫu thực phẩm xét nghiệm… “Như vậy mới đảm bảo sức khỏe tốt cho cả thầy và trò, mà sức khỏe có tốt thì việc dạy - học mới có hiệu quả” - ông Sang khẳng định.

Đồng tình với quan điểm trên, lãnh đạo trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hà Đông), trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) và một số trường mầm non của huyện Mỹ Đức cũng khẳng định, mọi quy trình bếp ăn trong trường đều được thực hiện chặt chẽ. Bà Chu Thị Quỳnh - Hiệu trưởng trường Mầm non A (quận Hoàn Kiếm) cho biết, nhà trường luôn chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện chế độ ăn cho HS theo biểu đồ dinh dưỡng hàng ngày. Trường đã ký hợp đồng với các đơn vị cung ứng thực phẩm cho bếp ăn nhà trường, cam kết đảm bảo thực phẩm, rau, thịt có nguồn gốc rõ ràng. Tuy nhiên, nhà trường vẫn luôn kiểm soát chặt khâu giao nhận thực phẩm vào đầu giờ sáng hàng ngày. Việc lưu mẫu thức ăn để kiểm soát chất lượng cũng được thực hiện đúng theo quy định.

Không vì giá rẻ

Bên cạnh những trường quyết tâm đảm bảo ATTP tại các bếp ăn bán trú, vẫn tồn tại một số trường còn lơi là trong vấn đề này. Thực tế vẫn có trường chưa kiểm soát chặt việc ký hợp đồng với các cơ sở cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào, bếp ăn xây dựng chưa đúng quy cách, chật chội, dụng cụ chế biến thực phẩm sống và chín còn lẫn lộn. Thậm chí, có trường còn bố trí khu chế biến thức ăn gần với nhà vệ sinh. Trước những lo ngại về mất ATTP ảnh hưởng tới sức khỏe HS, nhất là với bậc giáo dục mầm non và tiểu học, bà Nguyễn Thị Hào - Phó trưởng Phòng Giáo dục Mầm non, phụ trách vấn đề dinh dưỡng, Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, trong triển khai nhiệm vụ năm học mới, vấn đề ATTP cũng được Sở chỉ đạo Phòng GD&ĐT, Hiệu trưởng các  trường thực hiện nghiêm việc ký kết hợp đồng với đơn vị cung ứng thực phẩm sạch. Cùng với đó cần tăng cường kiểm tra, rà soát chất lượng, nguồn gốc, giá cả thực phẩm của các nhà cung ứng nhằm đảm bảo chất lượng và ATTP.

Ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng nhấn mạnh, bậc mầm non và tiểu học là lứa tuổi nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng bởi thực phẩm ô nhiễm, gây nguy hại, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống sau này của các em. Vì vậy, ngành giáo dục cần hết sức chú ý đến nội dung này. Cũng theo ông Thống, trong điều kiện chi phí bữa ăn không cao, có nơi chỉ hơn 10.000 đồng/bữa, việc lựa chọn nguyên liệu đầu vào vừa đảm bảo ATTP vừa đảm bảo dinh dưỡng rất quan trọng. Không được tham rẻ mà sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc. Tốt nhất nên mời ban đại diện cha mẹ HS tham gia giám sát quy trình này.

Ông Thống cũng cho biết, việc đảm bảo ATTP trong các bếp ăn bán trú là nội dung được Ban Chỉ đạo VSATTP TP cũng như ngành giáo dục Thủ đô đặc biệt coi trọng trong năm học tới. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả các việc trên, ngành giáo dục cần sự hỗ trợ của các đơn vị chuyên môn về thiết bị, kỹ thuật để có thể tiến hành xét nghiệm các mẫu rau, thịt ngay tại trường. Đặc biệt, cần có kinh phí thường xuyên cho các nhà trường trong việc đảm bảo ATTP cho HS.
Ông Trần Ngọc Tụ - Chi cục trưởng Chi cục VSATTP Hà Nội:
Tăng cường kiểm tra đột xuất cơ sở cung cấp thực phẩm đầu vào

Sở Y tế Hà Nội, Chi cục VSATTP Hà Nội luôn phối hợp chặt chẽ với Sở GD&ĐT trong việc thanh, kiểm tra các bếp ăn tập thể tại các trường học. Trong đợt kiểm tra gần đây nhất, 42 trường được kiểm tra ngẫu nhiên đều có giấy chứng nhận đảm bảo ATTP với bếp ăn tập thể trong trường. Tuy nhiên, hiện nay, Ban Giám hiệu nhà trường mới chỉ tập trung kiểm tra nguồn nguyên liệu đầu vào tại bếp ăn tập thể vào các buổi sáng, nên để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sức khỏe của các em HS, Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo Ban Giám hiệu nhà trường cần tăng cường kiểm tra đột xuất tại các cơ sở cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào. Nếu có thể, nhà trường nên tổ chức kiểm tra ngay tại các đơn vị sản xuất nguồn nguyên liệu đó để có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối cho HS cũng như giáo viên trong trường. Bên cạnh đó, với các trường mầm non có bữa phụ cho HS là các sản phẩm đóng gói như bánh ngọt, sữa chua…, khi ký kết hợp đồng với các đơn vị cung cấp, lãnh đạo nhà trường cần yêu cầu các đơn vị xuất trình hồ sơ công bố sản phẩm.
Ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội:
Cần đảm bảo ATTP cả bên ngoài trường học

Bên cạnh việc đảm bảo ATTP trong nhà trường, cần chú trọng cả việc đảm bảo ATTP tại các hàng quán bên ngoài cổng trường. Bởi lẽ hiện nay, các hàng quán xung quanh cổng trường đang mọc lên như “nấm”, thiếu kiểm soát của các cơ quan chức năng. Thực phẩm bày bán bên ngoài cổng trường không được che đậy, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí tồn tại cả những sản phẩm hết hạn sử dụng. Để loại bỏ tình trạng trên, ngành giáo dục mong muốn sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng để dẹp bỏ những hàng quán không đảm bảo vệ sinh xung quanh cổng trường. Song song với đó, nhà trường cần tăng cường phối hợp với phụ huynh HS trong việc tuyên truyền tới các em về vấn đề ATTP, cần chỉ rõ cho các em hiểu mức độ nguy hiểm khi ăn các thức ăn không đảm bảo ATTP bày bán bên ngoài cổng trường.
Bà Nguyễn Thị Thủy - Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân:
Không chủ quan

Tính đến nay, trên địa bàn quận Thanh Xuân chưa xảy ra bất kỳ một vụ ngộ độc nào liên quan đến bếp ăn tập thể cũng như do nước uống trong trường học. Để đảm bảo ATTP trong nhà trường, 100% các bếp ăn tập thể trong các trường học trên địa bàn quận đều được đầu tư hệ thống bếp một chiều, có giấy chứng nhận đảm bảo ATTP. Hàng ngày, việc lưu giữ 2 - 3 mẫu thức ăn mỗi loại được thực hiện nghiêm túc, các nhân viên làm việc trong bếp ăn tập thể đều được khám sức khỏe định kỳ, tránh các bệnh lây nhiễm. Công tác thanh, kiểm tra của các cấp, ngành được thực hiện thường xuyên, định kỳ và tăng cường kiểm tra đột xuất. Tuy nhiên, mặc dù chưa xảy ra vụ ngộ độc nào với các em HS, nhưng trong thời gian tới, ngành giáo dục quận Thanh Xuân sẽ không chủ quan trong việc ATTP tại các bếp ăn bán trú, nhất là với các trường giáo dục mầm non.
Trần Nga ghi