Hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ chịu ảnh hưởng nặng
Gia đình chị Nguyễn Thị Thơm ở tổ 1, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm vốn tạm đủ sống bằng nghề làm bún nhưng ảnh hưởng của dịch Covid-19, người dân hạn chế ra đường, chợ búa ế ẩm, bún không bán được nên sản xuất cầm chừng, tồn 2 - 3 tấn gạo. Nghe thông tin Chính phủ và TP Hà Nội sẽ hỗ trợ các hộ sản xuất, kinh doanh bị thiệt hại, chị Thơm rất mừng, nếu được giãn, gia hạn nợ thì đỡ được phần nào khoản nợ 50 triệu đồng trước đó.
Cùng với những tháo gỡ, giải pháp của Chính phủ, UBND TP, Thường trực HĐND tiếp tục rà soát các đối tượng còn lại bị ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra. Trên cơ sở đó sẽ nghiên cứu những cơ chế, chính sách đặc thù của Hà Nội, kịp thời hỗ trợ, bảo đảm ổn định sản xuất, kinh doanh, việc làm và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn ngay sau dịch bệnh xảy ra. Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà |
Gia đình chị Trương Thị Huyền ở tổ 2, phường Phú Đô trước đây cũng được vay vốn NHCSXH để kinh doanh nhỏ tại nhà, nay đến kỳ trả nợ cũng gặp khó khăn do dịch bệnh. Chị kể, trước khi dịch bệnh xảy ra, việc kinh doanh của gia đình rất ổn định, trừ tất cả các khoản chi phí, mỗi tháng cũng lãi hơn chục triệu đồng. Từ khi dịch bùng phát, việc kinh doanh bị ảnh hưởng. “Tôi đã đầu tư rất nhiều vốn để nhập hàng Hè nhưng giờ không thể bán được vì phải đóng cửa hàng. Nếu tình hình dịch bệnh phải kéo dài thì không biết phải xoay xở ra sao” - chị Huyền lo lắng. Biết được chủ trương của NHCSXH, chị Huyền rất phấn khởi. “Để tháo gỡ khó khăn, tôi mong muốn các cấp chính quyền miễn và giảm lãi cho đến khi hết dịch bệnh” - chị Huyền bày tỏ.
Theo bà Lê Thị Phượng - Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Phú Đô, Hội có hơn 280 hộ đang vay vốn của NHCSXH Hà Nội. Đến thời điểm này, 80% số hộ gặp khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Đối với các hộ, được gia hạn nợ chưa phải trả ngân hàng trong lúc khó khăn này là rất ý nghĩa. Hơn nữa, khi hết dịch bệnh mà lại được vay vốn bổ sung để tiếp tục làm nghề là mong muốn của rất nhiều hộ.
Nhanh chóng tháo gỡ khó khăn
Theo báo cáo của Chi nhánh NHCSXH Hà Nội, dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm và đặc biệt là dịch bệnh Covid- 19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống sản xuất của người nghèo và các hộ chính sách trên địa bàn. Sau khi được HĐND TP thông qua, Hà Nội bổ sung nguồn vốn ngân sách TP ủy thác cho Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội năm 2020 là 650 tỷ đồng; thứ nhất, ưu tiên cho hộ được giãn nợ, gia hạn nợ có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Thứ hai là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình trên địa bàn. Thứ ba là các đối tượng chính sách khác. Cuối cùng là cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã, DN vừa và nhỏ thu hút lao động.
Với nguồn vốn 650 tỷ đồng bổ sung, tính đến năm 2020, TP đã bố trí và ủy thác cho NHCSXH là 1.020 tỷ đồng để thực hiện cho vay ưu đãi với các đối tượng ưu tiên chính sách của TP. Với nguồn vay ưu đãi này, theo thống kê sẽ đáp ứng được khoảng 25.000 khách hàng có nhu cầu vay và giải quyết được rất nhiều người lao động chưa có việc làm, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp có khoảng 17.000 lượt lao động bị ảnh hưởng. Sự đồng hành kịp thời của chính quyền với người dân Thủ đô là một giải pháp hữu hiệu nhằm bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt trong hoàn cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt của đời sống.
Giám đốc NHCSXH TP Hà Nội Nguyễn Thị Đức Hạnh cho biết, ngân hàng phối hợp với chính quyền địa phương, Hội đoàn thể nhận ủy thác các cấp cần nắm bắt diễn biến của dịch bệnh Covid-19, chủ động thường xuyên rà soát những trường hợp khách hàng vay vốn bị thiệt hại để có biện pháp gia hạn nợ, cho vay bổ sung khôi phục sản xuất, kinh doanh. Với 650 tỷ đồng vừa được ủy thác, NHCSXH Hà Nội sẽ kịp thời tham mưu phân bổ nguồn vốn về địa phương để người dân tiếp cận ngay, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm cuộc sống.