Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hỗ trợ phát triển chăn nuôi bền vững

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mặc dù mới triển khai Chương trình thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) trên địa bàn thành phố chưa đầy một năm nhưng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Từ chương trình này, người nông dân và những người làm nông nghiệp ngày càng có điều kiện quan tâm, và có trách nhiệm với nhau hơn. Đó không chỉ là "phao cứu sinh" cho nông dân mà còn là động lực cho sự phát triển của ngành nông nghiệp.

 Giảm gánh nặng rủi ro

Năm 2012, con bò sữa của gia đình ông Nguyễn Văn Lý, ở xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì bị mắc bệnh tụ huyết trùng rồi chết. Rất may, ông Lý vừa đăng ký tham gia BHNN. Sau khi báo cáo với cán bộ địa phương, việc bồi thường bò chết theo chính sách BHNN của gia đình ông Lý được chấp nhận. Với giá trị con bò lúc tham gia BH là 40 triệu đồng, ông Lý được bồi thường 60%, tức 24 triệu đồng. Tương tự như ông Lý, gia đình ông Nguyễn Văn Trưởng ở xã Phong Vân, huyện Ba Vì cũng có một con bò chết, được bồi thường 24 triệu đồng.

Hỗ trợ phát triển chăn nuôi bền vững - Ảnh 1

Tham gia bảo hiểm nông nghiệp, người chăn nuôi sẽ bớt rủi ro khi vật bị bệnh dịch, thiên tai

 
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết, năm 2012, thực hiện Quyết định 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Thí điểm BHNN, Hà Nội đã chọn làm thí điểm BH đối với bò sữa tại huyện Ba Vì và BH với lợn tại huyện Chương Mỹ. Tính đến thời điểm này, đã có 804 hộ nông dân tại 24 xã của 2 huyện tham gia BH với tổng chi phí là 1,565 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách thành phố hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng, các hộ dân đóng góp hơn 500 triệu đồng. Trong quá trình triển khai, Công ty Bảo Việt Đông Đô đã phối hợp với các địa phương thực hiện bồi thường rủi ro đối với số lượng lợn, bò sữa bị chết với tổng số tiền 287 triệu đồng. Số tiến bồi thường đã giúp các hộ giảm bớt khó khăn, nhanh chóng khôi phục sản xuất.  
 
 Tiếp tục nhân rộng
Năm 2013, TP sẽ tiếp tục thực hiện thí điểm với mục tiêu tổng phí BH đạt 5 tỷ đồng; phấn đấu 90% đàn lợn và 50% đàn bò sữa của các địa phương thực hiện thí điểm tham gia BH.

 "Có được những kết quả này, phải kể đến sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của Ban chỉ đạo Thí điểm BHNN từ thành phố đến các xã và sự đồng thuận của người dân" - ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội nhận định.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu, chương trình thí điểm BHNN cũng còn gặp nhiều khó khăn. Trước hết, đó là giá cả đầu vào trong chăn nuôi như: Con giống, thức ăn, thuốc thú y… quá cao, có nhiều biến động; việc tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định khiến nhiều nông dân giảm đàn, không thuận lợi cho việc triển khai BHNN. Mặt khác, phạm vi BH còn hẹp, mức phí BH còn cao so với thu nhập của người dân.

Để giúp người dân có điều kiện tham gia BHNN, phòng tránh rủi ro trong sản xuất chăn nuôi, ông Đăng cho biết, giải pháp mà Ban chỉ đạo thành phố tập trung trong thời gian tới là tiếp tục kiến nghị với Ban chỉ đạo T.Ư có những điều chỉnh phù hợp hơn; đồng thời làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Ban chỉ đạo huyện, xã. Bên cạnh đó, tiếp tục nhân rộng những xã, hộ chăn nuôi điển hình để triển khai đến các xã còn lại. Thành phố cũng sẽ đào tạo đội ngũ cán bộ, cộng tác viên đến tận hộ dân để tuyên truyền, giải thích và làm các thủ tục về BHNN thật nhanh gọn nhằm tạo niềm tin cho người dân khi tham gia BH. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo các ngành chuyên môn thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh để bảo vệ đàn gia súc, thu hút các doanh nghiệp chế biến sữa cùng phối hợp để triển khai thực hiện.