Hòa giải, đối thoại tại tòa: Thêm phương thức giải quyết tranh chấp

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hòa giải, đối thoại tại tòa án là phương thức giải quyết tranh chấp dân sự mới để người dân lựa chọn. Đó là quan điểm được nhiều ý kiến đồng tình khi xem xét Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. Tuy nhiên, quy định về phạm vi hoạt động của hòa giải viên vẫn là vấn đề còn những ý kiến khác nhau.

 Ảnh minh họa.
Hướng đi ưu tiên trong phát triển tư pháp dân sự
Khi xem xét Dự Luật này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, từ thực tế thí điểm, phương thức xử lý tranh chấp, khiếu kiện dân sự qua hòa giải, đối thoại tại tòa án đã khẳng định nhiều ưu điểm và cần thiết được luật hóa để khuyến khích người dân áp dụng, xem đây là hướng đi ưu tiên trong phát triển tư pháp dân sự thời gian tới. Cơ chế này sẽ huy động được nguồn nhân lực chất lượng cao trong xã hội, góp phần khắc phục những khó khăn, vướng mắc, hạn chế của cơ chế hòa giải, đối thoại hiện hành. Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Dự Luật, Tòa án Nhân dân tối cao đã tổ chức thí điểm trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án ở 16 tỉnh, TP, qua đó đã thu được những kết quả tích cực; các vụ việc hòa giải, đối thoại thành đạt tỷ lệ khá cao. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng, việc ban hành Luật góp phần hàn gắn những mâu thuẫn rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân. Đồng thời, giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước.
Nhấn mạnh trong các tranh chấp dân sự, công lý không đơn giản chỉ là tuyên ai thắng ai thua, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy cho rằng, điều quan trọng nhất là Nhà nước phải tổ chức ra các thiết chế để giúp cho người dân hòa giải được với nhau. Mặt khác, với tâm lý của người dân nước ta, dù ở thời điểm đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, quan niệm của người dân vẫn là “vô phúc đáo tụng đình”, không đừng được mới phải đưa nhau ra tòa xét xử. Từ những đặc thù của xử lý tranh chấp dân sự nêu trên, việc phát huy phương thức này phải được xem là hướng đi ưu tiên trong phát triển tư pháp dân sự, mang lại nhiều lợi ích cho mỗi cá nhân, xã hội và ngân sách Nhà nước.
Phạm vi hoạt động của hòa giải viên
Để phát huy hình thức này, một vấn đề cũng được đặt ra liên quan đến các hòa giải viên. Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, phương án đưa ra là mở rộng phạm vi hoạt động của hòa giải viên. Theo đó, ngoài hoạt động tại tòa án nơi hòa giải viên được bổ nhiệm, hòa giải viên có thể hoạt động tại tòa án khác nhưng phải trong phạm vi địa giới hành chính của tòa án cấp tỉnh. Như vậy tạo điều kiện tốt hơn để đương sự lựa chọn được hòa giải viên mà họ tín nhiệm. Trong khi đó, với phạm vi hoạt động của hòa giải viên trong một đơn vị cấp tỉnh, tòa án vẫn có điều kiện đánh giá, giám sát chặt chẽ chất lượng hòa giải viên và kịp thời đề nghị chánh án có thẩm quyền miễn nhiệm những hòa giải viên không đáp ứng yêu cầu công việc.
Theo Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, về lâu dài cần tạo cơ hội cho người dân có nhiều kênh lựa chọn, qua đó giúp chọn được hòa giải viên giỏi hơn, thay vì chỉ giới hạn trong các hòa giải viên khác tại tòa án Nhân dân trên địa bàn mình sinh sống. Tuy vậy, vẫn đề nghị giữ quy định hòa giải viên ở quận, huyện nào nên hoạt động trong địa hạt pháp lý của địa bàn đó. Nguyên nhân là do, tại Dự Luật có quy định giao Chánh án Tòa án Nhân dân quận, huyện ấn định số lượng hòa giải viên phù hợp với nhu cầu công việc và số lượng công việc diễn ra trên địa bàn. Nếu cho phép hòa giải viên tại địa bàn khác sang thực hiện công tác này tại địa phương sẽ tạo ra tình trạng thiếu thừa cục bộ, rất khó quản lý.
Đề cập đến việc phải ước lượng số lượng hòa giải viên, đối thoại viên ở mỗi địa bàn để bổ nhiệm cho phù hợp với điều kiện từng nơi, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, cần tính toán thêm vấn đề này, vì chưa tính hết được những yếu tố thực tế hiện nay. Thực tế, ở nhiều địa phương trên cả nước, cán bộ kiểm sát viên, thẩm phán về hưu giỏi, có trình độ, có kinh nghiệm thường sinh sống và hoạt động ở trung tâm tỉnh, TP.