Vấn đề này đang gây tranh cãi không chỉ giữa Ban Tổ chức với UBND tỉnh Khánh Hòa, Bộ VHTT&DL, mà còn cả ở khán giả và giới nghệ sĩ.
Ban tổ chức “chống lệnh”Khi cả nước đang nín thở hướng về đồng bào nằm trong vùng bão lũ và đau lòng trước những cảnh tang thương do cơn bão Damrey gây ra thì tối 4/11, kênh truyền hình VTV6 vẫn truyền hình trực tiếp vòng bán kết cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam. Điều này khiến không ít người bất bình, bởi trong bối cảnh nhiều người dân đối phó với bão trong nước mắt, nhiều hoạt động quốc gia phải hoãn để dồn sức chống bão thì việc vẫn dành thời gian và nhân lực cho một hoạt động vui chơi giải trí như VTV6 là điều không hợp lý. Đó là chưa kể, địa điểm diễn ra hoạt động giải trí này là Cam Ranh, Khánh Hòa - vị trí tâm bão.
|
Trước đêm thi, các thí sinh đến thăm hỏi, chia sẻ với người dân nhưng vẫn không dễ nhận được sự cảm thông của cộng đồng. |
Thực tế, cuộc thi đã phải lùi lại 30 phút so với lịch dự kiến diễn ra ban đầu. Trước đó, Ban Tổ chức đã phải lo đảm bảo nguồn điện, thí sinh trang điểm bằng ánh đèn điện thoại… Có lẽ chính vì đứng trước bài toán có thể bị cộng đồng “ném đá” hay để cuộc thi diễn ra như dự kiến, Ban Tổ chức đã chọn phương án 2. Bởi vì, nếu chỉ lùi một ngày không thể đong đếm hết thiệt hại dành cho đơn vị tổ chức sự kiện, đền bù hợp đồng với khách mời VIP, mất sóng truyền hình… Chính vì vậy, thông tin trên các cơ quan truyền thông, ông Nguyễn Khắc Hà – Phó Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Khánh Hòa khẳng định: “Ngày 3/11, UBND tỉnh đã có công điện khẩn chỉ đạo dừng tất cả hoạt động văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh, trong đó có chương trình bán kết cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017. Trước chỉ đạo này, Sở đã mời Ban Tổ chức cuộc thi đến họp. Ban Tổ chức có trình bày những khó khăn họ gặp phải, nhưng Sở vẫn chỉ đạo dừng vì đây có thể là cơn bão lớn nhất từ trước đến nay đổ bộ Khánh Hòa”. Nhưng rốt cuộc, cuộc thi vẫn diễn ra và được tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình.
Bài học về sự sẻ chiaKhông cần đến sự lên tiếng của cơ quan quản lý, ngay sau đêm 4/11, đồng loạt cộng đồng mạng xã hội đã có những ý kiến trái chiều. “Việc VTV phát sóng trực tiếp chương trình ăn chơi, nhảy múa trong những ngày người dân đang lầm than là điều trái với đạo lý của dân tộc” – tài khoản Huy Hoàng chỉ trích thẳng thắn trên trang cá nhân. Khác với cách nhìn khắt khe của khán giả, đa phần nghệ sĩ lại cho rằng, với người nghệ sĩ, diễn là cái nghiệp: “Nghiệp diễn chúng tôi đã đến giờ, đến lịch, lên đèn là phải diễn. Thế hệ chúng tôi, nghệ sĩ đi biểu diễn vùng sâu, vùng xa, mất điện cũng phải diễn, bom nổ, người chết, diễn viên bị thương cũng phải diễn. Nghiệp diễn là vậy đó!” – NSND Chiều Xuân bày tỏ. Ca sĩ Hồ Quang Tám cũng chia sẻ: “Nhà hàng xóm có đám hiếu nhưng em có hợp đồng hát đám cưới thì vẫn phải đi hát”.
Nhưng câu chuyện của Chiều Xuân là câu chuyện thời chiến. Sự kiện Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam không “kín đáo” mà chình ình trên sóng quốc gia, lại không vì phục vụ nhiệm vụ tinh thần chính trị. Sau sự vụ, phía VTV gần như im lặng, không giải thích. Tuy nhiên, phát hay không phát sóng đâu còn phụ thuộc vào VTV. Bởi hợp đồng phát sóng trực tiếp các chương trình Hoa hậu luôn được thực hiện từ một năm trước đó. VTV chỉ có quyền dừng phát sóng nếu đạt thỏa thuận với đơn vị tổ chức.
Năm 2014, khi tai nạn chìm phà Sewol ở Hàn Quốc diễn ra, ngành giải trí nước này gần như đóng băng một thời gian. Thay vào đó, các kênh truyền hình này dành phần lớn thời lượng phát sóng để đưa tin về tình hình tìm kiếm và cứu trợ nạn nhân. Hầu hết các liveshow của các ca sĩ Hàn Quốc, dù đã được lên kế hoạch từ 1 - 2 năm trước cũng tạm hoãn. Có lẽ, Ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam cần phải học tập các “ông trùm” truyền thông của Hàn Quốc, biết chấp nhận thiệt hại kinh tế vì tấm lòng lớn hơn hướng đến sẻ chia cùng hoạn nạn.