Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hòa Phát nhận chìm 15 triệu m3 bùn, cát xuống biển Quảng Ngãi, thảm họa có nổi lên?

Nghiêm Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia nhận định, việc nhận chìm cát, bùn sét nạo vét cảng Hòa Phát trong phạm vi rộng lớn, lên đến 180ha ở vùng biển Dung Quất, sẽ ảnh hưởng các loài sinh vật biển. Hàng triệu m3 vật chất nạo vét trong quá trình nhận chìm bị tác động bởi sóng biển, dòng hải lưu có thể gây bồi lấp thảm thực vật, di sản biển nơi đây.

Hồ sơ “Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh” được hoàn thiện vào tháng 11/2019 để trình UNESCO xem xét.
Vì vậy, quyết định của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép nhận chìm 15 triệu khối vật chất nạo vét từ cảng Hòa Phát xuống biển Dung Quất làm dấy lên những lo ngại về một thảm họa môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng biển Quảng Ngãi, gây hại di sản trong hiện tại cũng như về lâu dài.
Cảng Hòa Phát (Dung Quất) nhìn từ biển vào.
Đe dọa di sản
Chuyên gia Hải dương học Trần Văn Sâm nhận định: “Việc nhận chìm cát, bùn sét nạo vét cảng Hòa Phát trong phạm vi rộng lớn, lên đến 180ha ở vùng biển Dung Quất, sẽ ảnh hưởng các loài sinh vật biển. Hàng triệu m3 vật chất nạo vét trong quá trình nhận chìm bị tác động bởi sóng biển, dòng hải lưu có thể gây bồi lấp thảm thực vật, di sản biển nơi đây”.
Trước đó, các chuyên gia trong và ngoài nước đã đưa ra nhiều khuyến nghị, tiến sĩ Guy Martini - Tổng thư ký Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu GGN cho hay: Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh có đủ tiềm năng và triển vọng để trong tương lai trở thành thành viên mạng lưới công viên địa chất toàn cầu của UNESCO.
Tuy nhiên, ông Martini khẩn thiết đề nghị chính quyền quan tâm bảo vệ môi trường trong khu vực công viên địa chất, ít nhất là tại 81 điểm dự kiến tham quan nằm trong các tour /tuyến du lịch. Có như vậy mới bảo vệ và phát huy được giá trị của Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh.
Hiện nay, theo điều chỉnh mở rộng, Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh có diện tích lên 4.600km2, bao trùm cả Khu kinh tế Dung Quất, Khu công nghiệp VSIP, Tịnh Phong và vùng biển nhận chìm 15,4 triệu m3 vật chất nạo vét cảng.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng - chuyên gia Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nhật Bản) cho hay, việc đưa khu kinh tế, khu công nghiệp vào Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh có nguy cơ phá hỏng môi trường, cảnh quan thiên nhiên. Liệu có ai dám cam đoan với UNESCO giữ nguyên hiện trạng; các dự án không xảy ra sự cố môi trường trong tương lai?
“Theo định kỳ, sau 4 năm được công nhận công viên địa chất toàn cầu, UNESCO sẽ xem xét, đánh giá lại. Nếu họ phát hiện công viên địa chất bị xâm hại thì sẽ cắt danh hiệu ngay”, ông Hoàng nói.
Khó tránh khỏi ô nhiễm
Qua phân tích của các chuyên gia, việc nhận chìm vật chất nạo vét với  tỷ lệ 13,6% vật chất bùn sét (tương đương hơn 2 triệu m3) ở độ sâu đáy biển từ 51 đến 56m, dưới tác động của sóng, dòng hải lưu và nước từ cửa sông đổ ra biển, thì gần như toàn bộ bùn, sét sẽ hòa tan trong nước biển và làm nước biển bị ô nhiễm, vẩn đục. Trong khi đó, chỉ cần 5% bùn, sét  hòa tan sẽ có đến khoảng 40 triệu m3 nước biển bị vẩn đục, ô nhiễm.
Tại cuộc họp báo quý I/2019 vừa qua, thông tin với báo chí, bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, ngày 19/3, Bộ đã ký quyết định thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra giám sát hoạt động nhận chìm chất thải nạo vét lớn của Hòa Phát xuống biển Quảng Ngãi.
Cảng nước sâu Dung Quất.
“Trách nhiệm trong giấy phép nhận chìm đã ghi rất rõ, hoạt động quan trắc, đánh giá tác động nhận chìm hơn 15 triệu m3, chủ dự án phải thuê tư vấn để đặt các trạm quan trắc tốc độ lan truyền của vật liệu mịn, tức là bùn sét, quan trắc chất lượng nước và các yếu tố môi trường”, ông Vũ Trường Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nói.
Theo ông Sơn, doanh nghiệp phải thường xuyên báo cáo cho Bộ, tổ công tác liên ngành có trách nhiệm kiểm tra, giám sát. Trong trường hợp có vấn đề ảnh hưởng đến môi trường thì lập tức dừng hoạt động nhận chìm lại.
Trong khi đó, trước lo ngại việc nhận chìm một khối lượng khổng lồ vật chất nạo vét xuống biển tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản không chỉ riêng vùng biển Quảng Ngãi mà còn đến các tỉnh lân cận như: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, tác động trực tiếp đến cuộc sống hàng ngàn người dân sống dọc ven biển, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi cũng đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, chấp thuận việc sử dụng cát nhiễm mặn từ quá trình nạo vét cảng để san lấp mặt bằng ở những vùng trũng sâu, nhiễm mặn theo đúng quy định.
Hẳn chúng ta chưa quên bài học đắt giá từ vụ ô nhiễm môi trường do chất thải mà nhà máy Formosa Hà Tĩnh lén xả ra biển, khiến cá chết hàng loạt và dạt lên bờ cả một dải đất dài hơn 300km từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng, tác động đến cuộc sống của hơn 200.000 người dân, trong đó có 41.000 ngư dân.
Vụ việc nghiêm trọng tới mức chính quyền các địa phương phải khuyến nghị người dân các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng ngừng tắm biển, khuyến cáo ngư dân tạm dừng khai thác ven bờ, đợi đến khi môi trường biển trở lại bình thường và không ăn hải sản đánh bắt ven bờ. Vụ việc cũng khiến ngành du lịch các tỉnh miền Trung điêu đứng, nhiều nhà đầu tư e ngại, tìm đến những vùng biển khác an toàn hơn.
Tiếp đó, năm 2017, dự án nhấn chìm hơn 1 triệu m3 vật chất (chủ yếu là cát) nạo vét vũng quay tàu và bến chuyên dùng phục vụ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xuống biển Bình Thuận cũng đã được cấp phép.
Dư luận, người dân vùng dự án phản ứng mạnh mẽ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo xem xét đánh giá toàn diện tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường trong việc nhận chìm 1 triệu m3 vật chất nạo vét, buộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Bình Thuận cùng lãnh đạo các cơ quan liên quan đi đến thỏa thuận, thống nhất không nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn cát nạo vét xuống vùng biển Tuy Phong, Bình Thuận. Vụ việc trên trở thành một trong 10 sự kiện môi trường nổi bật trong năm 2017.
Vì thế, việc nhấn chìm 15 triệu m3 vật chất, trong đó có hơn 2 triệu khối bùn sét đang làm dấy lên những lo ngại về 1 thảm họa môi trường biển có thể xảy ra với vùng biển Lý sơn là rất rõ ràng.