Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hòa vào chốn thâm nghiêm cổ kính

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với nhiều người, tới làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) là phải ghé cây đa đầu làng, những ngôi nhà tường đá ong đã hơn 300 tuổi với mái ngói rêu phong.

Còn với riêng tôi, nhất định phải thăm chùa Mía, để hòa vào thế giới thâm nghiêm, tạm quên đi những tất bật thường ngày.

Chùa Mía còn gọi là Sùng Nghiêm Tự, được khởi dựng từ xa xưa. Năm 1962, phi tần trong phủ chúa Trịnh Tráng là Ngô Thị Ngọc Diệu thấy miếu thành hoang phế, nên đã cùng gia đình và người dân các làng thuộc tổng Mía góp sức tôn tạo lại. Mến mộ uy đức của bà, người dân tạc tượng thờ ở chùa và tôn bà là “Bà Chúa Mía”. Trải qua hơn 400 năm, chùa nhiều lần được tu bổ, nhưng từ quy mô đến kiến trúc cổ gần như vẫn được giữ nguyên vẹn.

 
Tượng La Hán bên trong Chùa Mía.
Tượng La Hán bên trong Chùa Mía.
Từ cổng làng cổ Đường Lâm, tới chợ Mía, du khách có thể thấy rõ cổng tam quan chùa treo lơ lửng một quả chuông cổ đúc từ năm 1745 - đời Lê và một chiếc khánh đồng đúc năm 1846 - đời Nguyễn. Chiếc cổng gỗ cũ màu nâu sậm mộc mạc, được tán cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi che chở khiến nơi này trở nên giản dị ngay từ cái nhìn đầu tiên. Điều đặc biệt là dù chỉ cách một bước chân, ngoài đường người ta họp chợ huyên náo là thế nhưng trong không gian thâm nghiêm này, mọi thứ đều u huyền, tĩnh lặng, như tách hẳn hồng trần. Đối đỉnh với ngọn đa già là tòa bảo tháp cửu phẩm Liên hoa thờ vọng Xá lợi Phật, trấn giữ cho mạch âm của làng được an lành và phát triển. Qua khoảng sân rộng là khu nội điện gồm tiền đường, đại hùng, bảo điện, thượng điện được cấu trúc theo kiểu nội công ngoại quốc rất bề thế. Sau khi thắp hương ở đền chính, du khách cứ thế men theo những hành lang nối dài tới các ban thờ mà không phải quay lưng lại bất cứ ban thờ nào. Tại đây, bạn sẽ dễ dàng cảm nhận được sự yên bình, tĩnh tại như câu nói của người xưa: “Men theo lối cũ thăm Thiền Viện/Nghe tiếng chim kêu ngắm cỏ hoa/Lâu đài lóng lánh thêm huyền diệu/Chuông mỏ nhịp nhàng vẽ tịch u”. Và ít ai biết rằng, trong 10 kỷ lục văn hóa Phật giáo Việt Nam được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công bố năm 2006, chùa Mía là nơi lưu giữ nhiều tượng nghệ thuật nhất Việt Nam: 287 pho tượng lớn, nhỏ mang tính nghệ thuật đỉnh cao. Trong đó có 6 pho tượng đồng, 106 tượng gỗ và 174 tượng bằng đất luyện được sơn son thiếp vàng.

Chùa Mía không rộng và đông khách thập phương như nhiều ngôi chùa nổi tiếng khác nên những ngày đầu Xuân, khung cảnh ở chốn này vẫn yên tĩnh, cổ kính như ngày thường. Khách viếng chùa không ồn ào, chen chúc, khói hương không nghi ngút, khiến ai tới đây đều cảm thấy tĩnh tâm, gạt bớt bụi trần.