Trưởng phòng Y tế huyện Hoài Đức Nguyễn Thị Thanh cho biết, huyện có 9 làng nghề sản xuất, chế biến thực phẩm được công nhận. Từ năm 2019 - 2023 huyện có 103 sản phẩm là thực phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 77 sản phẩm được đánh giá 4 sao và 26 sản phẩm được đánh giá 3 sao.
Cụ thể: làng nghề chế biến lương thực thực phẩm Lưu Xá - xã Đức Giang; làng nghề bún bánh Cao Xá Hạ - xã Đức Giang; Làng nghề bánh kẹo - dệt kim La Phù; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Dương Liễu; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Cát Quế; làng nghề bánh đa nem Ngự Câu - xã An Thượng; làng nghề xây dựng, chế biến nông sản Yên Sở và làng nghề chế biến nông lâm sản Đồng Nhân - xã Đông La.
Các sản phẩm thực phẩm của Hoài Đức đảm bảo cho nhu cầu sử dụng của Nhân dân địa phương, cung cấp thực phẩm cho thành phố và các vùng lân cận, nhiều sản phẩm đã được đưa vào các siêu thị và xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Toàn huyện có 2.002 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, 18 siêu thị mini, 14 chợ hạng III.
Trong đó, có 972 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực Y tế (gồm 3 cơ sở sản xuất; 781 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; 188 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố).
Theo thống kê, hiện cấp huyện quản lý 168 cơ sở (trong đó 3 cơ sở sản xuất, 87 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; 78 bếp ăn tập thể). Cấp xã quản lý 804 cơ sở (trong đó 616 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; 188 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố).
Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 357 hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại 14 chợ hạng III, trong đó, có 65 hộ có đăng ký kinh doanh do cấp huyện cấp, 292 hộ không có đăng ký kinh doanh.
Trong Tháng hành động vì ATTP, huyện thành lập 23 đoàn kiểm tra liên ngành, trong đó, 3 đoàn tuyến huyện; 20 đoàn tuyến xã, thị trấn.
Các đoàn tuyến huyện đã kiểm tra 6 cơ sở (5 cơ sở sản xuất, 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống), xử phạt 5 cơ sở 72 triệu đồng. Các đoàn tuyến xã, thị trấn đã kiểm tra, giám sát 68 cơ sở (trong đó, 11 cơ sở sản xuất, 13 cơ sở kinh doanh, 44 cơ sở dịch vụ ăn uống), xử phạt 2 cơ sở sản xuất 4 triệu đồng.
Lỗi vi phạm chủ yếu là do các cơ sở sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định; không có ủng hoặc giày, dép sử dụng riêng trong khu vực sản xuất thực phẩm. Khu vực chứa đựng, kho bảo quản không có hoặc không đầy đủ giá, kệ, biển tên, nội quy, quy trình, chế độ vệ sinh. Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn không xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Qua kiểm tra thực tế tại Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Đức Hạnh (Cụm Công nghiệp Trường An, xã An Khánh, huyện Hoài Đức), Đoàn kiểm tra liên ngành của TP ghi nhận, cơ sở sản xuất 3 sản phẩm thạch, kẹo và sô cô la. Trong đó, kẹo thạch zai zai là chủ đạo, với sản lượng 150-180 tấn/năm.
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn liên ngành nhận thấy, cơ sở vật chất nhà xưởng xuống cấp, trần, tường, nền nhà ẩm mốc, bong tróc. Trong kho bảo quản sản phẩm không có ẩm kế, nhiệt kế. Do đó, Đoàn liên ngành lưu ý, cơ sở cần nâng cấp nhà xưởng, trang bị điều hoà, ẩm kế, nhiệt kế. Hệ thống cống, cửa nhà xưởng cần phải vệ sinh, bụi bám bẩn.
Đặc biệt, trong khu sản xuất, giữa nhà xưởng có nhà vệ sinh, Đoàn kiểm tra nhắc nhở, cơ sở phải bố trí lại khu vệ sinh sao cho phù hợp. Phía sau khu sản xuất chứa nhiều phế phẩm, sắp xếp lộn xộn, cơ sở cần khắc phục, dọn dẹp vệ sinh.
Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra liên ngành cũng lưu ý cơ sở cần trang bị đầy đủ giày dép, đồ bảo hộ lao động cho công nhân. Cơ sở nên có biện pháp phòng chống côn trùng, động vật gây hại, tránh sử dụng các loại thuốc diệt côn trùng. Mặt khác, sản phẩm thạch sau khi sản xuất cần đóng gói trong túi nilon theo bảng công bố ngoài hộp bìa carton.
Ngoài ra, cơ sở chưa xuất trình đầy đủ hồ sơ pháp lý, Đoàn liên ngành yêu cầu cơ sở khắc phục ngay tồn tại trên.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, toàn TP hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Trong đó, có hơn 10.000 cơ sở sản xuất thực phẩm, gần 25.500 cơ sở kinh doanh thực phẩm, hơn 35.000 cơ sở dịch vụ ăn uống và hơn 5.800 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Năm 2023, toàn TP thành lập 699 đoàn thanh, kiểm tra; đã kiểm tra 18.822 cơ sở, trong đó 2.776 cơ sở vi phạm.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương nhấn mạnh, trong Tháng hành động, TP tập trung xử lý các vi phạm về ATTP và giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, nhất là khi mùa Hè đang đến. Đặc biệt, ngành y tế chú trọng thanh kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; các bếp ăn tập thể trường học, khu công nghiệp; cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống, đóng chai, nước đá dùng liền theo phân cấp…
Ngoài ra, ngành tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm tra định kỳ và đột xuất, không chỉ trong Tháng hành động mà xuyên suốt từng năm. Qua đó, từng bước siết chặt công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm.