Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh:

Hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đường vành đai 4 trước 15/11

Việt Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 11/11, UBND TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu đã có buổi làm việc trực tuyến với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) để thống nhất các nội dung liên quan đến Dự án đường Vành đai 4 - TP Hồ Chí Minh.

Buổi làm việc do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn và Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa TP Hồ Chí Minh cùng các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An về tiến độ chuẩn bị hồ sơ dự án đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh.

Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, dự án Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh có dài hơn 200 km đi qua 5 tỉnh, thành phố với tổng mức đầu tư hơn 135.000 tỷ đồng. Dự án được thiết kế chuẩn cao tốc, chia thành 2 nhóm dự án thành phần. Trong đó, gồm nhóm dự án thành phần 1 giải phóng mặt bằng, xây dựng đường gom dân sinh và nhóm dự án thành phần 2 là xây dựng đường cao tốc.

Sơ đồ quy hoạch Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh
Sơ đồ quy hoạch Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh

TP Hồ Chí Minh là địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan có thẩm quyền tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh. Đến nay, các đơn vị liên quan của TP đã khẩn trương thực hiện trên cơ sở tổng hợp từ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án thành phần đã được các địa phương tổ chức lập.

Đến nay, hồ sơ kỹ thuật cũng như phương án phân chia các dự án thành phần đã cơ bản hoàn thành.

Tuy nhiên, trong quá trình lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đã có 2 vấn đề cần lấy ý kiến các địa phương. Đó là nguồn vốn nhà nước tham gia vào dự án và phương án đầu tư đoạn Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh Bình Dương.

Tại buổi làm việc, các địa phương cũng đã thống nhất phương án đầu tư dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó, sẽ rà soát 2 hình thức hợp đồng gồm: xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) và xây dựng - chuyển giao (BT).

Về nguồn vốn Nhà nước tham gia vào dự án, do nguồn vốn ngân sách Trung ương khó cân đối nên các địa phương gồm TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tự cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương tham gia dự án.

Riêng tỉnh Long An kiến nghị nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ hơn 33 nghìn tỷ đồng.

Với đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Bình Dương, địa phương này sẽ triển khai thực hiện theo chủ trương đầu tư đã được HĐND tỉnh Bình Dương thông qua.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, về cơ bản, phương án đầu tư dự án đã được các địa phương thống nhất. Do đó, đề nghị các địa phương có báo cáo gửi Sở GTVT TP Hồ Chí Minh để tổng hợp, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh trước ngày 13/11.

Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung phương án đầu tư các dự án thành phần theo hình thức BT (thanh toán bằng tiền hoặc thanh toán bằng đất), đề xuất phương thức đầu tư khả thi.

Bên cạnh đó, các địa phương đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Trên cơ sở đó, UBND TP Hồ Chí Minh sẽ tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tổng thể để trình Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ngày 15/11/2024.