Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoàn thiện cơ chế phòng, chống bạo lực gia đình

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về công tác phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó xây dựng cơ chế tiếp nhận, xử lý, giải quyết tin báo. Đó là vấn đề được nhấn mạnh tại phiên thảo luận hoàn thiện và thực thi pháp luật với chủ đề “Chống phân biệt đối xử với phụ nữ, trẻ em gái và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới” vừa được Bộ Tư pháp phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp quốc và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức.

Ảnh minh họa.
Khó trong trợ giúp pháp lý
Theo số liệu được các ngành thống kê, trung bình hàng năm, toàn quốc xảy ra trên 50.000 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có một số vụ việc có liên quan đến bạo lực gia đình như: Các loại tội phạm xâm hại trẻ em hơn 1.600 vụ, chiếm 3,2%; cố ý gây thương tích khoảng 7.500 vụ, chiếm 15%, nguyên nhân chủ yếu do mâu thuẫn gia đình, bi quan bệnh tật, tranh chấp đất đai, mâu thuẫn kinh tế, ghen tuông tình ái...

Tuy nhiên, việc trợ giúp pháp lý đối với nạn nhân là phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình vẫn gặp nhiều khó khăn. Như Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) Vũ Thị Hường cho biết: Vì nhiều lý do khác nhau nên nhiều người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, nhất là phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, nạn nhân bị xâm hại tình dục… Bởi họ thường muốn giấu kín vụ việc bị bạo lực hoặc cam chịu, không chia sẻ thông tin khi có vụ việc xảy ra, họ thường chỉ yêu cầu giúp đỡ khi sự việc đã trở nên trầm trọng hoặc bị phát hiện…

Đại diện Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cũng nhận định, nhiều trường hợp nạn nhân và người thân im lặng, cam chịu không khai báo, đôi khi còn che giấu, nhất là bạo lực tình dục nên công tác nắm bắt thông tin, phát hiện xử lý chưa kịp thời, dẫn đến đối tượng thực hiện hành vi nhiều lần, trong thời gian dài mới bị phát hiện. Đặc biệt, các vụ án xâm hại tình dục, bạo hành trẻ em không có nhân chứng trực tiếp, trẻ em bị xâm hại còn nhỏ tuổi, năng lực nhận biết còn hạn chế, tâm lý dễ bị kích động, thường hoảng loạn về tinh thần nên khai báo thiếu chính xác. Một số vụ án, nạn nhân khai báo theo sự hướng dẫn của cha mẹ và người thân, gây khó khăn cho công tác điều tra.

Đồng thời, chính trình độ nhận thức của cán bộ cơ sở về luật pháp, trong đó có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cũng còn nhiều hạn chế, vẫn coi bạo lực gia đình là vấn đề nội bộ, nên chỉ thực sự vào cuộc với những vụ bạo lực gia đình gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý hình sự.

Quan tâm hơn đến tin báo về bạo lực gia đình

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) Đỗ Đức Hiển, các chính sách, pháp luật hình sự là công cụ pháp lý hữu hiệu để phòng, chống các hành vi phân biệt đối xử, bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là các hành vi xâm phạm các quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của phụ nữ và trẻ em gái. Thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm cho thấy, thực thi pháp luật về vấn đề này vẫn còn một số hạn chế, hiệu quả chưa cao.

Ông Đỗ Đức Hiển phân tích, bạo lực gia đình xảy ra phổ biến, nhưng rất ít vụ việc được xử lý hình sự còn do truyền thống văn hóa, nhận thức của người Việt về giá trị gia đình, cũng như cơ chế ưu tiên hòa giải tại cộng đồng. Các vụ việc được xử lý hình sự thông thường là vụ việc điển hình, xâm phạm tính mạng hoặc xâm phạm nghiêm trọng sức khỏe, nhân phẩm của phụ nữ.

Trong khi đó, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, nhiều hành vi bạo lực với phụ nữ cấu thành tội phạm chỉ được giải quyết khi có đơn yêu cầu khởi tố của người bị hại. Điều này cũng dẫn đến thực tế nhiều trường hợp nạn nhân hại bị đe dọa, dụ dỗ, mua chuộc để không tố giác hành vi vi phạm, dẫn đến bỏ lọt tội phạm.

Để ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình, phân biệt đối xử với phụ nữ, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về vấn đề này Trong đó, chú trọng các giải pháp phòng ngừa, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của cộng đồng để nhận diện, phát hiện vi phạm và tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đặc biệt, sớm có văn bản hướng dẫn, xây dựng cơ chế tiếp nhận, xử lý, giải quyết tin báo về hành vi bạo lực gia đình để giải quyết các vụ việc kịp thời.