Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi về quản lý đầu tư xây dựng

An Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Thông báo kết luận nêu rõ, việc rà soát, sửa đổi các nội dung của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng phải bám sát, tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng và các pháp luật khác có liên quan.
Việc phân cấp, ủy quyền thẩm định phải bám sát khả năng, năng lực thực hiện của các cơ quan chuyên môn về xây dựng.

Thực hiện mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 08/7/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước, đảm bảo an toàn cho người dân, môi trường và phòng chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong hoạt động đầu tư xây dựng, đồng thời kéo giảm biên chế công chức, viên chức trong công tác quản lý đầu tư xây dựng.

Đối với nội dung dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Xây dựng có trách nhiệm nghiên cứu, làm rõ nội dung về việc phân cấp cho các cơ quan chuyên môn thuộc người quyết định đầu tư thẩm định đối với các dự án có yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng có công trình từ cấp II trở xuống do các Bộ, cơ quan ở trung ương quyết định đầu tư: Cần có quy định về điều kiện thực hiện, đồng thời trong quá trình thẩm định nếu có khó khăn vướng mắc phải lấy ý kiến tham vấn của cơ quan chuyên môn về xây dựng ở trung ương, địa phương.

Về quản lý dự án đầu tư xây dựng dự án có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng: Ngoài điều kiện về năng lực của cán bộ làm công tác quản lý dự án của người quyết định đầu tư khi tự thực hiện quản lý dự án thì chỉ được thực hiện trong trường hợp ở địa phương nơi thực hiện dự án chưa có Ban quản lý dự án chuyên ngành, ban quản lý dự án khu vực hoặc các Ban quản lý dự án này không đủ điều kiện thực hiện.

Trường hợp cơ quan chuyên môn thuộc Tập đoàn kinh tế nhà nước có đủ năng lực, Bộ trưởng Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành thực hiện phân cấp, ủy quyền cho Tập đoàn kinh tế nhà nước tổ chức thẩm định dự án, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và dự toán của dự án do Bộ quyết định đầu tư nhưng phải có cơ chế kiểm soát chất lượng công tác thẩm định và chịu trách nhiệm về việc ủy quyền theo quy định của pháp luật.

Về việc phân cấp cho UBND các thành phố trực thuộc trung ương, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định về phân cấp đối với UBND các thành phố trực thuộc trung ương chủ trì tổ chức thẩm định các dự án, thẩm định thiết kế cơ sở dự án do UBND thành phố trực thuộc trung ương quyết định đầu tư nhưng UBND phải có cơ chế kiểm soát chất lượng công tác thẩm định và chịu trách nhiệm về chất lượng dự án công trình xây dựng theo quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng phối hợp với Văn phòng Chính phủ rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.