Hà Nội mở rộng có diện tích 3.328,89km2, dân số (ước tính đến tháng 6/2023) là 8,564 triệu người (gấp 1,37 lần so với thời điểm mới hợp nhất), có 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn (tăng 2 phường), là Thủ đô lớn thứ 17 trên thế giới. Quận Hoàng Mai với diện tích 4,1km2 (đứng thứ 4 TP) và dân số trên 720 ngàn người (đông nhất Hà Nội).
Hạ tầng xã hội quá tải
Đảng bộ, chính quyền quận Hoàng Mai trong quá trình triển khải thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan đều thấy hiểu đây là cơ hội để nâng cao đời sống của người dân Hà Nội nói chung và Hoàng Mai nói riêng. Khi dân số Hoàng Mai tăng nhanh gấp 4 lần (so với ngày đầu thành lập 2023) thì sức ép về y tế, giáo dục sẽ đè nặng lên hạ tầng xã hội. Nhưng rõ ràng, đối với y tế, người dân có thể đến khám và chữa bệnh tại các cơ sở y tế Trung ương đóng tại Hà Nội thì với cấp học tiểu học, THCS, rất khó có thể đưa con cái đi học xa.
Nói cách khác, nếu phát triển nóng các khu đô thị mới nhưng không xây dựng thêm cơ sở giáo dục công lập, tạo điều kiện cho giáo dục ngoài công lập phát triển thì sự bức xúc của người dân sẽ xuất hiện. Thực tế, đầu năm năm học 2022-2023 Trường mầm non Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chỉ có thể tuyển thêm 333/713 hồ sơ đăng ký của nhóm trẻ 3-4 tuổi. Như vậy, sau bốc thăm có tới 380 cháu không được vào trường công lập như nguyện vọng của gia đình và trở thành vấn đề bàn tán trên mạng xã hội và báo chí. Đây là phường có dân số trên 90 ngàn người , với 92 tòa chung cư cao tầng, mỗi năm tăng tự nhiên khoảng 2.000 trẻ em.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, quận Hoàng Mai là một trong những địa bàn có số lượng học sinh số lượng lớn của Hà Nội. Tỷ lệ học sinh mầm non, tiểu học, THCS của quận Hoàng Mai đều vượt quá quy định về chỉ tiêu số học sinh trong 1 nhóm/lớp: đối với cấp mầm non, quận Hoàng Mai có bình quân 38,6 trẻ/nhóm lớp; cấp tiểu học là 47,6 học sinh/lớp; khối THCS là 45,5 học sinh/lớp. Còn cấp THPT là 46 học sinh/nhóm lớp. Nguyên nhân chủ yếu là do các nhà đầu tư đã chây ì, không chịu đầu tư xây dựng trường học sau khi đã xây chung cư, biệt thự bán thu tiền.
Sự vào cuộc của chính quyền
Để giải quyết vấn đề nóng, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên chất vấn về công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và đầu tư, cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó có quận Hoàng Mai (17/10/2023).
Qua phiên giải trình này, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã đánh giá thực trạng công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và việc đầu tư cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông của TP Hà Nội. Các đơn vị đã báo cáo, phát hiện, làm rõ những tồn tại, hạn chế bất cập và những khó khăn vướng mắc liên quan, xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, ngành, đơn vị. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị giải pháp đối với các cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thời gian ngắn nhất.
Theo đó, tiến độ thực hiện một số dự án trường học công lập theo nghị quyết số 02 của HĐND TP còn chậm, nhiều khó khăn, vướng mắc; còn 182 trường công lập chuẩn quốc gia đã quá hạn công nhận nhưng chưa công nhận lại, có 463 trường công lập các cấp trong danh sách chuẩn quốc gia nhưng có số học sinh vượt so quy định, 180 trường có số lớp vượt so với quy định.
Ngay sau đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định thu hồi chính thức 4 ô đất trường học của chủ đầu tư HUD giao cho quận Hoàng Mai đầu tư xây dựng trường học. HĐND quận Hoàng Mai đã họp phê duyệt chủ trương đầu tư 4 dự án mới, tổng mức đầu tư 1.076 tỷ đồng. Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết, quận đang triển khai thực hiện 99 dự án, bao gồm 24 dự án xây dựng trường học. Trong đó, có 16 dự án chuyển tiếp với tổng mức đầu tư 2.008 tỷ đồng, quận Hoàng Mai quyết tâm hoàn thành 5/16 dự án trường học trong năm 2023.
Hiện nay, quận Hoàng Mai có hơn 100.000 cháu trong độ tuổi đi học, mỗi năm trung bình tăng cơ học khoảng 4.000 học sinh. Dưới sự chỉ đạo của TP và thực tế quận Hoàng Mai đã triển khai nhiều giải pháp nóng, trong đó bố trí trên 50% vốn đầu tư xây dựng cơ bản để xây dựng trường học tình trạng này đã khắc phục dần những bất cập, khó khăn, không còn tình trạng bốc thăm vào các lớp mầm non. Tuy nhiên, hiện quận Hoàng Mai vẫn thiếu 43 trường học, nguyên nhân chủ yếu vẫn là thiếu địa điểm và kinh phí xây trường.
Người dân Hoàng Mai kỳ vọng với sự vào cuộc quyết liệt của HĐND, UBND TP Hà Nội thì trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều cơ sở giáo dục công lập được xây mới, trẻ em Hoàng Mai có được nhiều trường học khang trang, hiện đại. Ngoài ra, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch cần được thực hiện một cách nghiêm túc, không để chủ đầu tư chây ì, không thực hiện các nghĩa vụ của mình.