10 hệ lụy thi trắc nghiệm Toán
Không ít người cho rằng thi trắc nghiệm Toán đánh giá được năng lực HS nhưng ông và nhiều người lại có quan điểm ngược lại?
- Hiện đang có hai khuynh hướng đối với thi trắc nghiệm Toán. Một khuynh hướng ủng hộ thi trắc nghiệm Toán như 3 năm vừa qua, đa số là những người làm công việc tổ chức thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học (ĐH). Họ cho rằng tổ chức thi trắc nghiệm Toán thuận lợi, chấm thi khách quan và nhanh. Khuynh hướng phản đối là những GV đang giảng dạy môn Toán ở trường THPT – làm việc trực tiếp với HS, trong đó tôi nhận thấy thi trắc nghiệm Toán có nhiều vấn đề đáng lo ngại.
Thầy có thể nói rõ về vấn đề này?
- Dạy trắc nghiệm Toán dẫn đến hệ lụy HS đang mất gốc, không nắm vững kiến thức nền tảng. Tiếp đến là sự tùy tiện, trong quá trình làm bài trắc nghiệm HS có thói quen bằng mọi cách tìm được đáp số nhanh nhất, trong đó có cả cách không chính xác dẫn đến làm liều, ẩu. Các em đang mất phương hướng, không có phương pháp để giải quyết một bài toán cơ bản.
Ngoài ra, HS cẩu thả, phụ thuộc quá nhiều vào máy tính, lười học và đặc biệt là thiếu suy luận logic. Trong khi, mục tiêu lớn nhất của môn Toán là rèn tư duy logic. Mục tiêu này hình thành trong quá trình rèn luyện Toán tự luận. Thực tế đã có nhiều em ngây ngô khi học những môn Toán ứng dụng ở trường ĐH.
Nhiều đồng nghiệp của tôi than phiền về việc phải hướng dẫn lại Toán phổ thông cho sinh viên. Học và thi trắc nghiệm Toán cũng dẫn đến HS có tâm lý ỉ lại, chờ may rủi và không cảm nhận được sự thú vị của môn học này.
Đánh giá lại toàn diện thi trắc nghiệm Toán
Trực tiếp đứng lớp, ông thấy chất lượng học Toán của HS 3 năm trở lại đây thế nào?
- Tôi tạm chia làm 3 trường phái GV dạy Toán. Trường phái GV dạy và hướng dẫn HS làm trắc nghiệm 100%, được các em rất thích vì hợp thời, có thể đi thi đạt điểm cao. Trường phái GV vừa hướng dẫn tự luận và trắc nghiệm 50% – 50%, trong đó có tôi.
Theo đó, đầu chương bài, tôi hướng dẫn HS làm tự luận, trình bày cẩn thận để hiểu được bản chất vấn đề; đến giữa chương, tôi không cho HS trình bày và nháp, mà điền đáp số. Đến cuối chương, tôi hướng dẫn HS làm trắc nghiệm để phục vụ cho việc đi thi.
Ở trường THPT Lương Thế Vinh – nơi tôi công tác, các em HS tự giác nên không gặp trở ngại. Nhưng ở những trường yếu hơn, đồng nghiệp nói HS học đối phó và không theo. Như vậy, trong 3 cách dạy Toán đều có những trở ngại và khó khăn; mục tiêu rèn tư duy logic cho HS không đạt được, ngoài việc nhiều người đang hướng tới là dạy để đi thi.
Về mặt điểm số, mỗi khi chúng tôi kiểm tra vấn đáp hay làm tự luận, hoặc có các cách đánh giá tương tự cho kết quả rất thấp. Chỉ khi kiểm tra trắc nghiệm, với những gì được dạy, được học thì HS đáp ứng được, gần giống như học mẹo, học vẹt.
Vì thế, khi chúng tôi thay đổi đề bài, tình huống, hay cho đề bài nhiều chữ hơn thì các em ngại không đọc hết. Khi HS yếu về kỹ năng làm toán, khả năng tư duy, trình bày thì năng lực Toán học không thể đạt như dạy và thi tự luận.
Chúng ta đang tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới, theo ông, đề thi trắc nghiệm Toán cải tiến ra sao để phù hợp với xu hướng và giảm thiểu hệ lụy?
- Kỳ thi THPT quốc gia có bài thi trắc nghiệm Toán đã được thực hiện 3 năm. Đặt đề thi Toán của mình bên cạnh những đề thi trắc nghiệm như SAT của Mỹ hay PISA của Tổ chức OECD thấy khác nhau một trời một vực.
Đề Toán của mình rất hàn lâm, nặng lý thuyết. Đề có rất nhiều tình huống, bài tập khó do các thầy dày công sáng tạo tới mức chỉ dành cho siêu nhân. Điều quan trọng là những bài toán ấy không có trong thực tế và trong khoa học. Trong khi các bài trắc nghiệm Toán nước ngoài được nghiên cứu trong thực tế, đo đạc trong thực tiễn.
Nếu sắp tới, Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức thi trắc nghiệm Toán nên cải tiến đề thi cơ bản, khoa học và thực tiễn hơn. Đề thi đánh giá được đúng năng lực của HS, làm thay đổi cách dạy – học theo hướng tích cực, thực chất hơn. Qua đây, tôi kiến nghị với Chính phủ, Bộ GD&ĐT đánh giá lại toàn diện của việc dạy và thi trắc nghiệm Toán, chất lượng của HS vào ĐH rồi có kết luận hướng đi sắp tới.
Xin cảm ơn ông!