Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Học sinh Thủ đô chung tay bảo vệ tê giác

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng21/9, tại Trường Tiểu học Tây Sơn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã diễn ra Lễ phát động “Học sinh Thủ đô chung tay bảo vệ tê giác”.

Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Tê giác Thế giới 22/9, do Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam (Bộ NN&PTNT) và Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội phối hợp tổ chức.

Tham dự Lễ phát động có Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Đại sứ quán Cộng hòa Nam Phi tại Hà Nội Kgomotso Ruth Magau, Giám đốc Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam Hà Thị Tuyết Nga… cùng lãnh đạo 30 phòng GD&ĐT, các trường tiểu học tại Hà Nội và gần 3.000 học sinh trường Tiểu học Tây Sơn.

 
Các em trường Tiểu học Tây Sơn tại buổi Lễ phát động.
Các em trường Tiểu học Tây Sơn tại buổi Lễ phát động.
Chiến dịch giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác tại Việt Nam bắt đầu từ tháng 8/2013 và đã thu hút đông đảo tổ chức, đoàn thể tham gia như hội phụ nữ, trường đại học, giới DN; các sở GD&ĐT Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng và Nha Trang. Chiến dịch này do Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam khởi xướng và phối hợp với tổ chức Humane Society International để thực hiện các nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam đối với Công ước Liên hợp quốc về “buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp”.

Sau hơn 1 năm, chiến dịch đã tạo ra những thay đổi mang tính đột phá về nhận thức của công chúng đối với nhu cầu sử dụng sừng tê giác vì mục đích chữa bệnh, đặc biệt ở Hà Nội đã giảm 77% so với trước khi có chiến dịch (theo khảo sát của Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam). 

“Nâng cao nhận thức là nền tảng để thay đổi hành vi đối với nhu cầu sử dụng sừng tê giác để chữa bệnh. Sự kiện tổ chức tại trường tiểu học còn có ý nghĩa lớn hơn vì chúng ta tiếp cận được với thế hệ tương lai” - Giám đốc Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam Hà Thị Tuyết Nga khẳng định. 

TS Teresa Telecky - Giám đốc bộ phận Loài hoang dã Tổ chức Humane Society Internatinonal nhấn mạnh: “Tê giác đang trên bờ tuyệt chủng do nguy cơ bị săn trộm sừng. Chúng tôi rất vui được sát cánh cùng Chính phủ Việt Nam nâng cao nhận thức cho người dân, góp phần giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác tại đây”. 

Phát biểu tại Lễ phát động, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Hiệp Thống bày tỏ: “Tôi đánh giá cao sáng kiến của các bên trong việc đưa các thông điệp về bảo tồn động vật hoang dã vào lĩnh vực GD&ĐT. Tin rằng với gần 600.000 học sinh khối tiểu học toàn TP, các thông điệp bảo vệ tê giác sẽ lan tỏa tới hầu hết gia đình ở Hà Nội. Chúng tôi mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam và các tổ chức quốc tế để lồng ghép nội dung về bảo tồn loài hoang dã vào chương trình giảng dạy cho học sinh Thủ đô, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên cho thế hệ tương lai”.