Hà Nội:

Học sinh tiểu học được giáo dục kiến thức dinh dưỡng trong nhà trường

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chiều 24/10, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chủ trì Hội nghị báo cáo kết quả triển khai Dự án Bữa ăn học đường giai đoạn 2020- 2022 và định hướng triển khai giai đoạn 2022- 2023.

Hà Nội có gần 700 trường tiểu học tổ chức bán trú cho học sinh
Hà Nội có gần 700 trường tiểu học tổ chức bán trú cho học sinh

Bữa ăn bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng hợp lý có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe, sự phát triển về tầm vóc, thể lực và trí tuệ của học sinh. Học sinh được thụ hưởng bữa ăn học đường với các thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cân đối, phù hợp trong trường học không những giúp các em nâng cao sức khỏe, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý rối loạn dinh dưỡng như thiếu vi chất dinh dưỡng, suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm mà còn xây dựng thói quen dinh dưỡng lành mạnh.

Hà Nội có gần 700 trường tiểu học tổ chức bán trú. Công tác phục vụ bữa ăn bán trú cho các em học sinh tiểu học không chỉ cần đáp ứng vệ sinh an toàn thực phẩm, điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự, mà còn cần đảm bảo xây dựng thực đơn bữa ăn khoa học, cân đối, hợp lý, đáp ứng được các tiêu chuẩn khuyến nghị về dinh dưỡng cho lứa tuổi tiểu học bao gồm năng lượng, tỉ lệ cân đối các chất dinh dưỡng quan trọng như chất đạm, chất béo, chất đường bột, số lượng thực phẩm/bữa…

Để hỗ trợ các trường triển khai công tác bán trú hiệu quả, về mặt vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các nhà trường tăng cường công tác quản lý an toàn, vệ sinh thực phẩm và phòng, chống ngộ độc; tổ chức phong trào thi đua về an toàn, thực phẩm trong toàn ngành, phối hợp với các Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn bán trú…

Hà Nội cũng là 1 trong 4 tỉnh/thành phố tiên phong trên toàn quốc triển khai thí điểm Dự án Bữa ăn học đường từ năm 2015. Đến tháng 4/2017, Dự án đã được triển khai cho các trường tiểu học bán trú trên toàn TP. Đến nay, Hà Nội có 125 trường áp dụng thực đơn cân bằng dinh dưỡng của Dự án, 168 trường áp dụng Chương trình giáo dục dinh dưỡng “3 phút thay đổi nhận thức”.

Áp phích 3 phút thay đổi nhận thức về dinh dưỡng cho học sinh
Áp phích 3 phút thay đổi nhận thức về dinh dưỡng cho học sinh

Tại các trường triển khai Dự án, công tác bán trú của đã được thực hiện dễ dàng thuận tiện hơn, cha mẹ học sinh đánh giá cao về ý nghĩa thực tiễn của Dự án và ủng hộ, đặt niềm tin vào công tác chăm sóc bữa ăn dinh dưỡng cho các em học sinh. Các em đã quen thuộc với thực đơn đa dạng, dinh dưỡng, ngon miệng của Dự án; đồng thời hưởng ứng bữa ăn tại trường và tham gia các nội dung giáo dục 3 phút thay đổi nhận thức rất tích cực.

Tham dự hội nghị, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Lưu Hoa đánh giá: Dự án Bữa ăn học đường có nhiều ý nghĩa thực tiễn trong hỗ trợ công tác bán trú. Các trường có thể sử dụng ngân hàng thực đơn cân bằng dinh dưỡng sẵn có của phần mềm hoặc sử dụng phần mềm để xây dựng riêng thực đơn cân bằng dinh dưỡng theo đúng tiêu chuẩn hiện hành cho học sinh tiểu học. Bên cạnh đó, các nhà trường kết hợp sử dụng những công cụ như video hay áp phích giáo dục dinh dưỡng để giáo dục những kiến thức dinh dưỡng nền tảng cơ bản, từ đó tạo thói quen ăn uống lành mạnh cho các em, là tiền để để phát triển tầm vóc và thể lực cho các em học sinh trong tương lai.

Là trường học tiếp cận với những nội dung của Dự án Bữa ăn học đường từ năm 2017, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Thu Thủy cho hay: “Mặc dù gặp một số khó khăn bước đầu nhưng với mong muốn cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho học sinh cùng với sự chuẩn bị kĩ càng và vận động công sức của cả tập thể nhà trường, sự phối hợp chặt chẽ của học sinh và phụ huynh, đến nay trường chúng tôi đã thực hiện thành công Dự án và ngày càng nhận thấy được những lợi ích mà Dự án mang lại…”.

Để triển khai thành công Dự án, theo Sở GD&ĐT Hà Nội, các nhà trường cần truyền thông rộng rãi đến giáo viên, bảo mẫu, cán bộ nấu bếp, phụ huynh học sinh và các em học sinh về Dự án; lên kế hoạch lộ trình triển khai cụ thể, có thể triển khai từ 1-3 ngày/tuần, sau đó tăng lên 3-5 ngày/tuần, triển khai giáo dục dinh dưỡng cho học sinh…

Trong giai đoạn 2022 – 2023, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị: Với các trường đã triển khai dự án sẽ tiếp tục duy trì đơn dinh dưỡng của Dự án các ngày trong tuần, kết hợp sử dụng áp phích/video giáo dục dinh dưỡng nhằm tăng cường kiến thức dinh dưỡng cho học sinh. Còn với các trường chưa triển khai hoặc mới triển khai áp phích/video giáo dục dinh dưỡng cần tích cực nghiên cứu, xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho nhà trường; sớm triển khai và áp dụng thực đơn theo lộ trình tăng dần, duy trì sử dụng áp phích/video giáo dục dinh dưỡng của Dự án để giáo dục kiến thức dinh dưỡng cho học sinh.