Sự tận tâm của thầy cô góp phần đảm bảo an toàn bữa ăn bán trú

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chất lượng, định lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm trong bữa ăn bán trú là vấn đề được phụ huynh và dư luận đặc biệt quan tâm. Nhất là khi từ đầu năm học đến nay, một số vụ việc liên quan đến “sự cố” bữa ăn bán trú được phản ánh trên các phương tiện truyền thông.

Đảm bảo bữa ăn an toàn

Hà Nội hiện có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2.840 trường học, hơn 2,2 triệu học sinh mầm non và phổ thông; trong đó có gần 1.800 trường học tổ chức bán trú. Hàng ngày, các nhà trường trên địa bàn TP phục vụ trung bình gần 1 triệu học sinh ăn bán trú.

Hằng ngày, các nhà trường trên địa bàn TP phục vụ trung bình gần 1 triệu học sinh ăn bán trú
Hằng ngày, các nhà trường trên địa bàn TP phục vụ trung bình gần 1 triệu học sinh ăn bán trú

Theo quy định, công tác quản lý an toàn, vệ sinh thực phẩm tại bếp ăn trường học được phân cấp cho UBND các quận, huyện, thị xã nhưng với trách nhiệm là đơn vị quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, hằng năm, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các nhà trường tăng cường công tác quản lý an toàn, vệ sinh thực phẩm và phòng, chống ngộ độc; tổ chức phong trào thi đua về an toàn, thực phẩm trong toàn ngành…

Trưởng phòng Chính trị tư tưởng - Khoa học công nghệ (Sở GD&ĐT Hà Nội) Hoàng Hữu Trung cho biết: Trước khai giảng năm học 2022-2023, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu các phòng GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường đặc biệt quan tâm rà soát, bổ sung các điều kiện tổ chức bán trú. Các nhà trường tổ chức nấu ăn bán trú cho học sinh phải thực hiện đúng quy định về điều kiện an toàn thực phẩm, được cấp giấy chứng nhận hoặc cam kết “Cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm”; ký kết hợp đồng, có thỏa thuận chặt chẽ về việc mua thực phẩm, cung cấp suất ăn với các đơn vị uy tín, đủ điều kiện pháp lý.

Riêng các trường ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp suất ăn còn phải bảo đảm đơn vị cung cấp suất ăn có địa điểm không quá xa với trường học để bảo đảm cho học sinh có bữa ăn đúng giờ. Ngành Giáo dục cũng chủ động triển khai các mô hình điểm về an toàn thực phẩm; phối hợp với Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn bán trú….

Qua khảo sát công tác tổ chức bán trú tại một số trường học trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, các nhà trường đều phối hợp với Hội cha mẹ học sinh lựa chọn, ký hợp đồng suất ăn với đơn vị có đủ tư cách pháp nhân, có đủ điều kiện và được cấp phép, thực phẩm giao nhận hàng ngày đều có nguồn gốc xuất xứ và hóa đơn rõ ràng; cập nhật ghi chép hồ sơ sổ sách đầy đủ, thực hiện quy trình kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn và hủy mẫu thức ăn. 

Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên làm việc tại bếp ăn đều có chứng chỉ về kiến thức an toàn thực phẩm, đã được khám sức khỏe định kỳ; nhân viên được trang bị, sử dụng đầy đủ dụng cụ bảo hộ lao động khi làm việc như găng tay, khẩu trang, mũ đầu bếp… Cơ sở vật chất bếp ăn được đầu tư, trang bị đầy đủ theo quy chuẩn và đảm bảo sạch sẽ. 

Không được phép chủ quan

Theo Hiệu trưởng trường THCS Yên Hòa (quận cầu Giấy) Đàm Thu Hương, ngoài công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, muốn có bữa ăn đảm bảo cả chất và lượng cho học sinh còn cần rất nhiều yếu tố khác, trong số đó có sự tận tâm của các thầy cô giáo.

Nhân viên phục vụ bếp ăn bán trú tại trường THCS Yên Hòa, quận Cầu Giấy chuẩn bị các suất ăn cho học sinh (Ảnh: Nam Du)
Nhân viên phục vụ bếp ăn bán trú tại trường THCS Yên Hòa, quận Cầu Giấy chuẩn bị các suất ăn cho học sinh (Ảnh: Nam Du)

Tại trường THCS Yên Hòa, công tác tổ chức bữa ăn bán trú đặc biệt được quan tâm. Thực đơn hằng tuần, nhà trường đều gửi cho phụ huynh học sinh và niêm yết ở bảng trung tâm của khu vực nhà ăn với chữ ký của đại diện bếp ăn và ban giám hiệu. Cùng với đó, trường cũng có bảng tính chi tiết định lượng đối với từng suất ăn và cụ thể theo ngày.

Tại khu vực lối vào nhà ăn, các thầy cô nhắc nhở học sinh rửa tay sạch sẽ trước khi ngồi vào bàn. Khu vực bàn ăn cũng ghi rõ ràng, khoa học biển hiệu lớp tương ứng với từng nhóm học sinh. Mỗi khu vực bàn ăn đều có giáo viên ngồi ăn cùng để quản lý các em.

Nhà giáo Đàm Thu Hương cho rằng, một suất ăn bán trú, song song việc đảm bảo chất lượng, định lượng còn cần đạt yêu cầu thẩm mỹ, được trình bày đẹp mắt, cân đối để tăng cảm giác ngon miệng cho học sinh.

Trong các giờ sinh hoạt hoặc giờ học, giáo viên lồng ghép nội dung giáo dục dinh dưỡng bữa ăn cho học sinh. Biết rằng các em thích ăn đồ chiên rán, ngại ăn rau, không thích đồ luộc nên thầy cô tích cực lồng ghép nội dung tuyên truyền để học sinh hiểu tầm quan trọng của rau củ quả, tác hại việc ăn nhiều đồ chiên rán, từ đó hình thành ý thức, thói quen ăn uống của từng học sinh… Nhiều em có hiện tượng lười ăn, ngại ăn, bỏ khẩu phần ăn…, nên các thầy cô cũng tăng trách nhiệm trong giáo dục ý thức trân trọng từng hạt gạo, từng suất ăn, đó cũng là hình thức quý trọng tài sản, sức lao động của bố mẹ; từ đó, học sinh có ý thức ăn hết suất ăn, đảm bảo có đủ sức khỏe vui chơi, học tập.

Mặc dù các khâu tổ chức bếp ăn đã được khép kín nhưng muốn tạo sự yên tâm, tin tưởng cho phụ huynh, theo nhà giáo Đàm Thu Hương thì các nhà trường không bao giờ được chủ quan, lơ là trong tổ chức bữa ăn bán trú. Khâu kiểm tra nguyên liệu, thực phẩm hàng ngày cần được thực hiện chặt chẽ, có giám sát của đầy đủ thành phần. Ban giám hiệu liên tục kiểm tra, nhắc nhở nhân viên bếp ăn không chỉ nâng cao trách nhiệm mà còn dành tình yêu và sự tâm huyết trong chuẩn bị từng bữa ăn, có như vậy mới không để xảy ra sự cố, dù là nhỏ nhất.