Nghe có vẻ phong trào, song đúng như các chuyên gia phân tích tại Hội thảo "Định hướng triển khai các hoạt động ngoại ngữ trong công tác đoàn, hội sinh viên tại Việt Nam" do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 22/12, một trong những thành tố góp phần thúc đẩy cộng đồng học ngoại ngữ chính là vai trò của tổ chức Đoàn thanh niên, Hội sinh viên.
Nhìn từ các câu lạc bộ
Có lẽ đã nhận ra vai trò của những người trẻ trong thúc đẩy cộng đồng học ngoại ngữ, nên nhiều câu lạc bộ (CLB) ngoại ngữ đã ra đời từ tổ chức đoàn thanh niên - hội sinh viên các trường đại học (ĐH). Lê Thị Thùy Dương - cán bộ Đoàn trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) “khoe” CLB Phát triển kỹ năng sư phạm tiếng Anh đang được thực hiện. CLB có 2 giáo viên hoặc sinh viên có nhiều kinh nghiệm hướng dẫn, đa số thành viên có năng lực tiếng Anh trung cấp. Sinh hoạt nhóm 2 tiếng/tuần với các phương pháp khác nhau, mỗi buổi sinh hoạt được định hướng chủ đề kết hợp hướng dẫn kỹ năng. Bên cạnh đó còn sử dụng video bài nói theo chủ đề của người bản xứ để giúp sinh viên diễn đạt tự nhiên. Theo Thùy Dương, CLB cũng có thể hoạt động nhóm với một mảng kiến thức khác nhau, sau đó sẽ giao lưu với nhau.
Trong khi đó, Phan Hoàng Hải - Bí thư Đoàn ĐH Huế lại đưa ra mô hình CLB tiếng Anh thúc đẩy việc học tiếng cho sinh viên không chuyên ngữ ở lĩnh vực ứng dụng và học thuật. Hoạt động thường xuyên của CLB là giao tiếp bằng tiếng Anh trong 15 phút; chia sẻ quan điểm về một chủ đề; ứng dụng kiến thức đó trong trò chơi, thảo luận... Ngoài ra là các trò chơi tập thể, dã ngoại để thành viên CLB rèn luyện các kỹ năng. Và rất nhiều mô hình CLB tiếng Anh của các trường ĐH được chia sẻ tại hội thảo.
Học tiếng Anh theo kiểu “đông y”
Hiện nay, môn tiếng Anh được dạy từ năm học lớp 3, vậy mà đến hết bậc THPT, nhiều học sinh chưa hào hứng và nói được tiếng Anh. Thậm chí, có những sinh viên học hết 4 năm ĐH nhưng trình độ ngoại ngữ... vẫn thế. Trước thực trạng này, ông Nguyễn Trung Tuyển - Trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên, Học viện Quản lý giáo dục đề nghị thực hiện quan điểm học tiếng Anh theo kiểu “đông y”, tức là phải làm từ gốc: "Tiếng Anh phải bắt đầu từ tiểu học, đặc biệt là làm sao để học sinh, sinh viên học ngoại ngữ một cách hứng thú. Để làm được việc này, trước hết phải xây dựng được cơ chế, chính sách từ phong trào học ngoại ngữ. Thứ nữa, quan tâm đến đời sống giáo viên ngoại ngữ, đồng thời tạo môi trường, phương pháp dạy và học tiếng Anh. Và các cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải đầu tư môi trường làm việc, bởi học ngoại ngữ không sử dụng thường xuyên sẽ rất nhanh quên".
Tuy nhiên, nội dung được nhiều người quan tâm chính là làm sao để nghe và nói tiếng Anh chuẩn? Theo các chuyên gia, một trong những giải pháp quan trọng là giao lưu, kết nối với người nước ngoài. Về nội dung này, chị Nguyễn Thị Diệu Hương - cán bộ Đoàn ĐH Thái Nguyên đưa ra mô hình dự án V-Skype "Trò chuyện với người nước ngoài qua công cụ skype". Theo đó, một người nước ngoài và một sinh viên Việt Nam cùng thực hành các buổi nói chuyện từ 45 phút đến 1 giờ qua Skype theo một lịch trình có sẵn. Lợi thế của V-Skype là người học có thể chủ động đăng ký thời gian và thoải mái học tập ở bất cứ địa điểm nào có kết nối internet.
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ đang dự kiến 4 - 5 khu vực học tiếng Anh; trong đó có khối cán bộ, công chức, viên chức; người lao động; cộng đồng dân cư; tổ chức đoàn - hội trong nhà trường để tiến tới cộng đồng học tập ngoại ngữ. Xem ra việc thúc đẩy cộng đồng học ngoại ngữ này rất phù hợp với mục tiêu mà Bộ GD&ĐT đặt ra trong Đề án "Đổi mới dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân 2008 - 2020": Đến năm 2020, đa số thanh niên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và ĐH có đủ năng lực ngoại ngữ, tự tin trong giao tiếp, học tập và làm việc trong môi trường hội nhập.
Kinhtedothi - Buổi sinh hoạt của CLB tiếng Anh Ms Hoa TOEIC. Ảnh: Nguyễn An |