Bố mẹ né tránh, cho rằng giáo dục giới tính là việc của nhà trường. Nhưng thực tế hiện nay ở trường học, việc giáo dục giới tính chưa được thực hiện đến nơi đến chốn nên học trò đang phải tiếp cận kiến thức một cách “nửa vời”.
Học trò hỏi, cô cũng ngượng
Cô Nguyễn Thị Bình, tổ trưởng tổ bộ môn Sinh học, Kỹ thuật tại một trường THCS ở TPHCM cho hay việc dạy kiến thức giới tính cho học sinh (HS) hiện nay chủ yếu vẫn do giáo viên (GV) môn Sinh phụ trách. Không ít GV, nhất là các thầy cô giáo trẻ cứ đến phần dạy về các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể, giao hợp là… đỏ mặt, ngượng ngùng nên thường chỉ dạy qua loa hoặc để HS tự tìm hiểu.
“Tuy có kiến thức nhưng với thầy cô, nhất là những người chưa lập gia đình, việc trình bày vấn đề mà từ lâu chúng ta đã quan niệm là “tế nhị” này với các em HS là điều không dễ dàng. Nhất là việc diễn đạt, lý giả một cách cụ thể, rõ ràng… thì nhiều thầy cô không làm được. HS thì cười rúc rích, có em còn hỏi tới làm thầy cô càng ngượng”, cô Bình cho hay.
Thầy và trò đều chưa thật sự tự nhiên, thoải mái trong những giờ học về sức khỏe giới tính, sinh sản. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, TPHCM trong giờ học GDGT ngoại khóa.
Nội dung giáo dục sức khỏe sinh sản, giới tính hiện nay đã được thông qua giảng dạy lồng ghép trong các môn giáo dục thể chất và y tế trường học. Tuy nhiên, tại các trường trách nhiệm chủ yếu vẫn đang được “đùn đẩy” hết cho GV môn Sinh vì tâm lý ngại ngùng, cho là đó là chuyện tế nhị của cả thầy và trò. Nhiều GV thừa nhận, đề cập đến vấn đề này làm họ lúng túng chứ không tự tin để trao đổi với các em.
Ở bậc tiểu học, các em được làm quen với GDGT từ lớp 5 qua các bài như cơ thể người, về trứng, tinh trùng, về bào thai... Nhưng do cách dạy “né tránh” của GV nên các em không những không có thêm kiến thức mà còn trở nên hoang mang, rối bời.
Có rất nhiều HS nữ bậc tiểu học dậy thì sớm, có kinh nguyệt nhưng hoảng sợ, không biết nguyên nhân vì sao mình chảy máu. Đã có những tình huống HS lớp 4, lớp 5 được học cơ chế thụ thai là do tinh trùng của nam gặp trứng của thì sợ hãi không dám tiếp xúc, vui đùa với bạn trai vì sợ... có bầu do các em không được giải thích đến nơi đến chốn.
“Tôi đã từng gặp tình huống cô HS lớp 5 đã rất mạnh dạn hỏi cô giáo “Làm sao tinh trùng gặp được trứng?”. HS đã dám hỏi, lẽ ra GV phải tận dụng thời cơ đó để giải thích cho HS thì cô bảo rằng em về hỏi mẹ. Khổ nỗi, khi em về hỏi mẹ lại bị la vì hỏi vớ vẩn và bảo con đến hỏi cô, cô rành hơn”, một chuyên gia tâm lý ở TPHCM kể. Bà đánh giá rằng rằng nhà trường và gia đình đang đùn đẩy việc GDGT cho nhau vì lý đó là "chuyện khó nói".
Cần thực hiện đến nơi đến chốn
Em Nguyễn Thị Hồng Vân, HS Trường THPT Phạm Văn Sáng (huyện Hóc Môn, TPHCM) cho hay HS bây giờ phải đối diện với nhiều thay đổi nhanh về cơ thể, tâm sinh lý và nhiều cạm bẫy trong cuộc sống. Việc được GDGT là rất cần thiết nhưng thực tế ở trường học những kiến thức này vẫn chỉ được thực hiện một cách qua loa, đại khái nên HS rất bối rối, nghe được cái gì là “bám” vào ngay.
Nhiều HS cũng chia sẻ, cũng có những thầy cô có thể thoải mái khi nói các vấn đề liên quan đến sức khoẻ giới tính, sinh sản nhưng phần lớn họ rất e ngại. “HS chúng em thường tiếp cận thông tin về các vấn đề này qua các tờ rơi, qua mạng và qua bạn bè nên thường không kiểm chứng được đúng hay không”, em Nguyễn Văn Toản, HS cấp 2 ở Q.8 bày tỏ.
BS Đặng Phi Yến (Phòng Truyền thông Dân số kế hoạch hoá gia đình TPHCM) đánh giá, hiện nay việc học trò dậy thì sớm rất phổ biến, có em 9 – 10 tuổi đã có kinh nguyệt, nghĩa là sẽ có khả năng mang thai nếu có quan hệ tình dục. Thế nên việc GDGT, sức khoẻ sinh sản cần được thực hiện sớm ở trường học để các em biết vệ sinh đúng cách, biết bảo vệ mình.
“Ở nhiều nước, trẻ ở tuổi dậy thì khi đi picnic, cắm trại… còn được bố mẹ nhét theo bao cao su. Còn chúng ta lại luôn tìm cách né tráng, có trường còn từ chối khi nghe chúng tôi tổ chức giới thiệu về bao cao su cho HS. Trong khi thực trạng nữ sinh phá thai đang rất đáng báo động, tương lai của các em phải đối diện với rất nhiều nguy cơ đau lòng”, ông Yến cho hay.
Bà Nguyễn Trần Diễm Linh, hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1) cho rằng việc dạy giới tính cho trẻ cần chú ý đến phương thức và thái độ. Vì HS bây giờ biết nhiều và đoán được nhiều hơn mình nghĩ. GV đứng lớp mà thẹn thùng thì sẽ luống cuống, không hiệu quả.
Nói về sự lúng túng của GV đối với việc GDGT, một chuyên gia từ Trường ĐH Y dược TPHCM cho hay điều này không có gì lạ vì bởi việc né tránh nói chuyện “người lớn” đã tồn tại từ bao đời nay. Không phải GV nào cũng được học về các kiến thức này và cách truyền đạt về GDGT cho HS nên họ gặp khó khăn điều cần thông cảm. GV còn áp lực về dạy kiến thức chuyên môn nên họ không còn thời gian để quan tâm đến chuyện được xem là “bên lề” của HS.
Chưa kể, việc GDGT hiện nay vẫn còn được thực hiện theo kiểu “lắp ghép”, chúng ta chưa có một chương trình mang tính hệ thống có sự kết hợp của gia đình, nhà trường, xã hội… Nhiều chuyên gia cho rằng việc GDGT cần phải thực hiện càng sớm càng tốt nhưng cũng cảnh báo nếu thực hiện không đến nơi đến chốn, dạy nửa vời thì việc được GDGT có khi lại nguy hiểm hơn cả việc không dạy.