Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Học và làm theo Bác sẽ hướng tới những điều tốt đẹp nhất

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

“Việc học Bác nếu bảo khó cũng là khó, nhưng bảo dễ cũng không sai. Bởi học và làm theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là những việc xa vời mà từ chính những việc làm cụ thể”. rn

 PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc.  Ảnh: Lê Bình
Đó là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) khi trao đổi với Kinh tế & Đô thị qua 2 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Dụng nhân như dụng mộc

Từ thực tiễn 2 năm qua, ông đánh giá thế nào về kết quả thực hiện Chỉ thị 05, đã tránh được hình thức và trở thành “cơm ăn, nước uống” hàng ngày?

- Trước hết phải thấy rằng, Chỉ thị 05 đã kế thừa Chỉ thị 03, làm rõ hơn được nội dung của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là gì và đã tạo chuyển biến rất tích cực trong triển khai. Chỉ thị đã thể hiện rõ điểm cốt lõi nhất trong tư tưởng của Bác là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, giải phóng xã hội; gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội để tạo dựng xã hội tốt đẹp hơn. Tư tưởng cốt lõi ấy đã chi phối hàng loạt vấn đề khác mà Bác đã nêu lên. Đồng thời, Chỉ thị cũng làm rõ hơn những giá trị, tấm gương đạo đức của Bác thúc đẩy cải tạo xã hội. Trong nội dung mới là học theo phong cách của Bác, trong đó có phong cách làm việc khoa học, dân chủ, cẩn trọng; đã nói là làm, đó là phong cách rất cần của người lãnh đạo... Qua đó, giúp cán bộ, đảng viên, Nhân dân hình dung rõ hơn được tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác để thúc đẩy việc làm theo.
Lần này Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh phương châm “trên trước, dưới sau”; “trong trước, ngoài sau”, trong đó rất quan trọng là phải đề cao trách nhiệm nêu gương tự giác học trước, làm theo trước của người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua 2 năm, tôi thấy việc triển khai, thực hiện Chỉ thị 05 đã bài bản, bớt hình thức hơn. Từng cấp ủy, tổ chức không chỉ học tập, quán triệt chung chung mà còn xây dựng những chương trình hành động cụ thể, vận dụng vào từng lĩnh vực, như chống quan liêu, thể hiện trách nhiệm, kỷ cương hành chính…

Lâu nay, công tác cán bộ vẫn được coi là vấn đề đặc biệt quan trọng. Nhưng, trên thực tế nhiều ngành, nhiều địa phương vẫn để xảy ra những sai phạm đáng tiếc. Theo ông, có thể vận dụng tư tưởng của Bác vào công tác cán bộ như thế nào?

- Công tác cán bộ được xác định là then chốt của then chốt. Vì vậy, nếu công tác cán bộ mà sai lầm, khuyết điểm, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp cách mạng. Ngay từ khi thành lập Đảng, Bác Hồ đã rất quan tâm đến công tác cán bộ. Không chỉ quan tâm đến đào tạo đường lối, phương pháp làm việc, phương pháp tư duy, Bác còn chú ý phê phán những biểu hiện tiêu cực của cán bộ, căn bệnh trong các cán bộ. Tháng 10/1945 Bác đã có thư gửi cho ủy ban các cấp, chỉ ra một loạt căn bệnh trong cán bộ như cậy thế, kiêu ngạo, tư túng… Bác cũng nêu ra chiến lược con người, từ đó mới đưa ra chiến lược cán bộ.

Tôi nghĩ, tất cả những tư tưởng của Bác về công tác cán bộ vẫn còn nguyên giá trị. Ngày xưa, công tác cán bộ của Bác, của các bậc lão thành có nhiều quy trình như bây giờ đâu, nhưng vẫn chọn được cán bộ tốt, tâm huyết với Đảng, với dân. Đó là do không bị chủ nghĩa cá nhân chi phối, không bị phai nhạt lý tưởng như Nghị quyết T.Ư 4 đã đề cập.

Đáng buồn là vừa qua, xảy ra một số chuyện lình xình trong công tác cán bộ từ bổ nhiệm sai, đến cán bộ sai phạm, vướng vào lao lý... Điều đó cho thấy công tác cán bộ tưởng như khá chặt chẽ nhưng vẫn còn sơ hở, nhất là khi một số cán bộ có trách nhiệm lại... thiếu trách nhiệm. Dụng nhân như dụng mộc mà đặt nhầm chỗ thì nguy hại biết bao. Vì thế, cần có quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể cho các chức danh lãnh đạo, làm về xây dựng thì phải có trình độ, bằng cấp liên quan đến xây dựng, chứ không phải học kinh tế rồi lại điều hành về… quy hoạch.

Đáng mừng là tiếp theo Nghị quyết T.Ư 4, Nghị quyết T.Ư 6 (Khóa XII), vừa qua, T.Ư 7 đã bàn kỹ về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp và đặc biệt là cấp chiến lược. Đề án đã nhấn mạnh đến 4 chữ, mà theo tôi nếu làm tốt là thành công. Đó là, xây dựng đội ngũ cán bộ có “phẩm chất, năng lực, uy tín và ngang tầm nhiệm vụ”. Tập trung vào thực hiện tốt Nghị quyết T.Ư 7, chắc chắn sẽ có được đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới. Trong đó, lấy xây là chính, nhưng cũng phải chống những biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ hiện nay như chạy chức, chạy quyền, tham nhũng quyền lực. Đồng thời, khâu đánh giá cán bộ cũng phải được làm chuẩn chỉ hơn. Cùng với đó, phát huy vai trò giám sát của Nhân dân, công khai, minh bạch thì mới hiệu quả được.

Gương mẫu thì mọi việc sẽ ổn

Như ông đã phân tích, có thể thấy rằng, nếu vận dụng tốt tư tưởng của Bác sẽ khắc phục được những hạn chế trong công tác cán bộ. Vậy trong thời gian, để góp phần thực hiện tốt hơn Chỉ thị 05 và Nghị quyết T.Ư 4, cần đổi mới những gì?

- Phải tính tới hiệu quả của thực hiện Chỉ thị 05 một cách thiết thực. Trước hết phải có đội ngũ báo cáo viên có cách truyền đạt cảm hóa được người nghe. Tôi cho rằng, bản thân người đi giáo dục phải được giáo dục, đấy phải là những người tiêu biểu về phong cách, đạo đức. Phải lồng vào trong sinh hoạt, công việc cụ thể, nhất định sẽ tạo ra chuyển biến. Đặc biệt, cái gốc và quan trọng nhất là ý thức, trách nhiệm và tự giác của bản thân mỗi cán bộ, đảng viên. Tôi thấy nhiều cán bộ, đảng viên cứ nói câu “Bác Hồ vĩ đại thì làm như thế được, chứ mình làm sao làm như thế được”. Không phải. Tấm gương của Bác rất bình dị, nếu mọi người có ý thức, đều có thể học tập và làm theo được. Không phải cứ nghe cho hay, đến lúc hành động lại lảng tránh. Phải để nhận thức và hành động hòa quyện vào nhau trong từng ngày, từng giờ. Có thể nói rằng, việc học và làm theo Bác sẽ cho kết quả vô giá, là sự chuyển biến tích cực, giúp mỗi người tự mình soi xét, điều chỉnh, loại trừ những điều không đúng, hướng tới những điều tốt đẹp.

Năm 2018 việc thực hiện Chỉ thị 05 được nhấn mạnh vào chuyên đề xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu. Trong Đề án về công tác cán bộ Hội nghị T.Ư 7 vừa thông qua cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu. Quan điểm của ông trước vấn đề này ra sao?

- Phẩm chất và năng lực của người đứng đầu, sự mẫu mực, nêu gương cũng như thái độ kiên quyết đấu tranh của họ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị. Gương mẫu của người đứng đầu còn tạo ra động lực để thúc đẩy niềm tin của Nhân dân. Chính vì vậy, sự gương mẫu rất quan trọng, là minh chứng sinh động đảm bảo việc thực hiện Nghị quyết, văn kiện của Đảng đi vào cuộc sống có hiệu quả. Trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị - xã hội, xây dựng bộ máy, chống tiêu cực, tham nhũng… nếu người đứng đầu đề cao trách nhiệm vào cuộc và bản thân họ cũng là người trong sạch, gương mẫu thì mọi việc sẽ ổn. Phải nghiêm từ trên xuống dưới, trong tổ chức Đảng đến bên ngoài, từng cán bộ đảng viên phải đề cao trách nhiệm mới phát huy được sức mạnh.

Tôi rất tin tưởng việc thực hiện tốt Chỉ thị 05, để việc học và làm theo Bác trở thành thường xuyên, kiên trì, nhất định sẽ tạo ra sự chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội, trong Đảng, trong Nhân dân.

Xin cảm ơn ông!