Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Hỏi-đáp] Tòa án “bỏ sót” con ngoài giá thú khi chia thừa kế, phải làm gì?

Luật sư Nguyễn Hoài Nam - Văn phòng Luật sư Hoàng Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Tôi là con ngoài giá thú. Cách đây 2 năm, bố tôi mất không để lại di chúc, dẫn đến xảy ra tranh chấp trong việc chia di sản thừa kế. Tòa án và các thành viên trong gia đình bố không biết đến sự tồn tại của tôi. Tòa án đã mở phiên tòa để giải quyết vụ án và chia đều tài sản cho các con của bố. Sự việc này tôi mới tình cờ phát hiện nên đã tìm gặp các con của bố đòi trích một phần tài sản chia cho mình nhưng không ai đồng ý. Tôi phải làm gì để đảm bảo quyền thừa kế cho mình?" - Nguyễn Thị Nhàn, huyện Hoài Đức, Hà Nội

Trả lời:
Căn cứ Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015, bạn là con ngoài giá thú, tức là con đẻ của bố bạn, do đó bạn là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Bố bạn chết không để lại di chúc và di sản của bố bạn đã được khởi kiện chia thừa kế tại tòa án. Việc chia thừa kế được thực hiện cách đây 2 năm, do vậy, bản án đã có hiệu lực pháp luật và không bị kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm.
Bạn là người được hưởng di sản thừa kế của bố bạn, nhưng khi giải quyết vụ án, tòa án không đưa bạn tham gia vụ án để phân chia thừa kế do không ai biết bạn là con ngoài giá thú của bố bạn. Như vậy, vụ án chia thừa kế trước đây đã bỏ sót người tham gia tố tụng, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của bạn.
Căn cứ Điều 326 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, bạn có quyền làm đơn đề nghị xem xét lại bản án theo thủ tục Giám đốc thẩm gửi Chánh án TAND cấp cao hoặc Viện trưởng Viện KSND cấp cao đề nghị xem xét Giám đốc thẩm hủy bản án phân chia thừa kế nêu trên để giải quyết lại vụ án và bổ sung bạn tham gia với tư cách đương sự trong vụ án.
Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn