KTĐT - Người đứng đầu Ban Thư ký hỗn hợp của Hội đồng Hòa bình, ông Mahsoom Stanikzai, nhấn mạnh sự hỗ trợ của NATO "rất quan trọng."
Ngày 14/10, Chủ tịch Hội đồng Hòa bình, cựu Tổng thống Afghanistan Burhanuddin Rabbani, đã đề nghị NATO trợ giúp các nỗ lực hòa bình mới với Taliban bằng cách ngừng các chiến dịch quân sự tại những khu vực có thể tiến hành các cuộc đàm phán hòa giải dân tộc.
Phát biểu với báo giới sau cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Hòa bình cùng ngày, ông Rabbani khẳng định tình hình hiện nay đang rất thuận lợi để tiến hành đàm phán.
Ông Rabbani cho biết đã tiến hành vài cuộc gặp với một số phần tử Taliban và thấy rõ thiện chí đàm phán của họ. Ông cũng bày tỏ hoan nghênh thiện chí của các nước láng giềng và các nước khác trong nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban.
Trong khi đó, người đứng đầu Ban Thư ký hỗn hợp của Hội đồng Hòa bình, ông Mahsoom Stanikzai, nhấn mạnh sự hỗ trợ của NATO "rất quan trọng." Theo ông, ngừng các hoạt động quân sự ở nơi Taliban bày tỏ sẵn sàng đàm phán; giảm thương vong cho dân thường trong các chiến dịch quân sự; và thuyết phục người dân Afghanistan rằng "NATO không ở đây để chiếm đóng đất nước này" là những việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tiến trình hòa bình.
Ông Stanikzai nhấn mạnh: "Phải giảm số dân thường thương vong để phiến quân không thể viện đây làm cái cớ tuyển dụng thêm các tay súng."
Hội đồng Hòa bình tối cao Afghanistan đã được Tổng thống nước này Hamid Karzai thành lập ngày 7/10 với nhiệm vụ thuyết phục các tay súng Taliban và các phần tử nổi dậy khác ngừng chống lại chính quyền, nhằm sớm kết thúc cuộc xung đột đẫm máu dai dẳng quốc gia Nam Á này.
Trong số 70 thành viên Hội đồng, có các cựu thủ lĩnh phong trào Jihad, hai cựu Tổng thống, các cựu thủ lĩnh Taliban, nhiều nghị sỹ, quan chức chính phủ và 8 phụ nữ. Mỹ và các đồng minh phương Tây ủng hộ kế hoạch thiện chí của ông Karzai, bắt tay với các thành viên ôn hòa của Taliban. Lực lượng Hỗ trợ an ninh quốc tế tại Afghanistan (ISAF) cũng cho biết sẽ cho phép các thủ lĩnh Taliban đến Kabul để đàm phán với chính phủ.