Ông Phạm Ngọc Tuấn – Trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Hà Nội đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho ngày hội thể thao của tuổi trẻ học đường này.
HKPĐ rất có ý nghĩa đối với học sinh, sinh viên, thưa ông?
- HKPĐ là Đại hội thể dục thể thao của học sinh phổ thông, là ngày hội thể thao lớn của tuổi trẻ học đường, được tổ chức định kỳ 4 năm một lần, nhằm duy trì và đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Một trong những lợi ích rõ ràng và quan trọng bên cạnh việc nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất góp phần giáo dục toàn diện học sinh; còn là phát hiện tài năng thể thao của học sinh phổ thông nhằm bồi dưỡng đào tạo tài năng thể thao cho đất nước. Đây cũng là dịp để đánh giá công tác giáo dục thể chất trong nhà trường, từ đó có những biện pháp phù hợp nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường.
Ông nhận định thế nào về chất lượng các môn thể thao dự thi năm nay?
- HKPĐ toàn quốc – khu vực II sẽ diễn ra tại Nam Định từ 20 - 29/4 với 10 môn thi gồm: Điền kinh, đá cầu, cầu lông, bơi, bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá, bóng bàn, đẩy gậy và thể dục. Với mục tiêu đạt thứ hạng cao, Hà Nội tham gia tất cả các môn thi. Có thể khẳng định, chất lượng các môn dự thi HKPĐ lần thứ IX có nhiều tiến bộ rõ rệt. Chất lượng các đoàn vận động viên khá đồng đều. Chất lượng các trận thi đấu cấp cơ sở cũng như cấp TP khá tốt, nhiều nội dung, trận đấu kịch tính và hấp dẫn ở các môn như đá cầu, bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền, bóng đá... Những thành tích trên đã phản ánh chính xác chất lượng giáo dục thể chất của các nhà trường phổ thông trong toàn TP, là kết quả lãnh đạo, quản lý của các nhà trường, kết quả giáo dục, rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên thể chất và sự nỗ lực bền bỉ của các vận động viên.
Hội khỏe lần thứ IX có gì mới so với những kỳ hội khoẻ trước, thưa ông?
- Hội khỏe năm nay có nhiều điểm mới so với 8 kỳ hội khỏe trước. Thay vì chỉ quy vào một giải như năm trước, năm nay giải đấu được chia làm 2 bảng (1 giải phong trào và 1 giải nâng cao). Trong đó, giải phong trào gồm các học sinh đang học phổ thông, còn giải nâng cao được tổ chức 3 môn gồm: Điền kinh, bơi, cờ vua dành cho học sinh là vận động viên đang được đào tạo tại Trung tâm đào tạo vận động viên của TP; học sinh đã tham gia giải vô địch quốc gia; học sinh đoạt huy chương vàng, bạc, đồng tại các giải trẻ quốc tế. Điểm mới nữa là Ban tổ chức yêu cầu các đơn vị đăng ký dự thi online. Việc đăng ký này sẽ chuẩn chỉ thời gian, hạn chế gian lận, giảm lượng hồ sơ ảo… Những điểm mới này nhằm tạo sự công bằng, không vì thành tích, hướng đến một sân chơi lành mạnh, bổ ích trong học sinh, sinh viên.
Vậy môn thể thao thế mạnh nào của Hà Nội được kỳ vọng đoạt huy chương tại cuộc thi khu vực và toàn quốc?
- Hà Nội sẽ thi đấu tất cả nội dung các môn với số lượng 383 vận động viên, 93 cán bộ và huấn luyện viên. Môn thế mạnh của đoàn Hà Nội kỳ vọng đạt huy chương gồm: Điền kinh, thể dục và cầu lông.
Sở GD&ĐT có hướng dẫn, chỉ đạo gì các nhà trường để HKPĐ đạt kết quả cao không, thưa ông?
- Với vị thế là đơn vị dẫn đầu về chất lượng giáo dục, Hà Nội phấn đấu là đơn vị nằm trong top đầu cả nước trong phong trào thể dục thể thao học đường. Vì vậy, ngay sau khi kết thúc cuộc tranh tài cấp TP, chúng tôi tiếp tục tăng thời lượng tập luyện cho các vận động viên để đảm bảo chất lượng cho các nội dung thi đấu. Đặc biệt, chúng tôi yêu cầu các nhà trường có học sinh tham gia thi đấu ở các bộ môn phải tạo điều kiện tối đa cho các em, đảm bảo các chương trình học tập chính khóa. Ví dụ, các em học sinh ở xa như Ba Vì, Ứng Hòa... mà nơi tập luyện ở Hà Đông thì các em sẽ được chuyển về trường ở gần nơi các em tập luyện để học. Sở chỉ đạo các nhà trường đón nhận và hỗ trợ tối đa cho các vận động viên tham gia dự thi HKPĐ. Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc tranh tài cấp khu vực cũng như toàn quốc.
Xin cảm ơn ông!