KTĐT - Tối 12 tháng giêng năm Canh Dần (tức 25/2), hội Lim - một trong những lễ hội Quan họ nổi tiếng vùng Kinh Bắc - Bắc Ninh chính thức vào hội với các nghi thức mở đầu như tế lễ, dâng hương tại các đình, chùa thuộc Nội Duệ, thị trấn Lim và Liên Bão.
Sáng 13 tháng giêng là lễ rước từ Đình Cả xã Nội Duệ và từ trường Tiểu học thị trấn Lim đi dọc theo quốc lộ 1A lên Đình Lim và các hoạt động dâng hương, tế lễ tại lăng mộ tướng công Nguyễn Đình Diễn và lễ cầu phúc cầu an tại chùa Hồng Ân trên đồi Lim. Năm nay không gian lễ hội không chỉ tọa lạc tại khu vực đồi Lim mà còn bao quanh các làng, xóm phố chợ bên quốc lộ 1A thuộc Tổng Nội Duệ xưa và nay là thị trấn Lim, các xã Nội Duệ, Liên Bão (huyện Tiên Du) với tổng số 13 làng cùng mở hội. Đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, quê hương của những danh nhân hiền sỹ nổi tiếng như Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo, Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo, hội Lim cũng là để tưởng nhớ công ơn của hai vị hiền sỹ này...
Nét đặc sắc của hội Lim năm nay là các hoạt động sinh hoạt văn hóa Quan họ cổ được phục dựng. Đây là hoạt động mang nhiều ý nghĩa nhân sự kiện Dân ca Quan họ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. 16 làng Quan họ đại diện cho 49 làng Quan họ gốc trong vùng mang đến lễ hội nhiều tiết mục quan họ cổ lần đầu tiên được biểu diễn với 8 lán quan họ dựng bằng khung cố định, giả mái ngói, mang dáng dấp hiện đại và sân khấu được dựng lên quanh khu đồi Lim, phục vụ các du khách yêu dân ca quan họ. Quan họ không chỉ được hát dưới thuyền, hát ở cửa đình, cửa chùa tại các làng thuộc Tổng Nội Duệ, du khách còn có thể tham dự canh hát tại gia đình các nghệ nhân ở Duệ Đông, Lũng Giang, Lũng Sơn, Lộ Bao, Lộ Khánh… Ban chỉ đạo lễ hội đã phân công lực lượng đưa đón khách đến nghe quan họ và giao lưu với các liền anh, liền chị.
Hội Lim mang đến hàng trăm làn điệu dân ca quan họ được các liền anh liền chị thể hiện qua màn đối đáp, sự hội tụ của thơ ca, nhạc họa và cả cái tình của người quan họ. Tất thảy đều bày tỏ những cung bậc tình cảm của người quan họ trong mối giao cảm giữa nam và nữ, giữa con người với đất trời, thể hiện khát vọng vươn tới những giá trị nhân văn cao quý và lâu bền, tựa như câu nói của người quan họ Tình chung một khắc - nghĩa dài trăm năm. Cùng với đó, hội Lim năm nay còn có nhiều trò chơi dân gian như chọi gà, bịt mắt đập niêu, thi cờ người, đu tiên, thi tổ tôm điếm…
Để đảm bảo không gian truyền thống của Lễ hội, Ban chỉ đạo đã phân các hàng quán thành một số khu dịch vụ như khu bán đồ lưu niệm, khu văn hóa ẩm thực và khu tổng hợp ở xung quanh khu vực hội. Đồng thời buộc chủ các gian hàng phải cam kết kinh doanh đúng mặt hàng, đúng giá thành, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Khu vực trông giữ xe được bố trí xa trung tâm hội từ 1 đến 2 km.
Ai đã đến Hội Lim một lần, từng thả hồn vào những làn điệu quan họ cùng liền anh, liền chị thì hẳn sẽ không thể nào quên những câu hát ngọt ngào và đằm thắm như chính con người nơi đây. Và đến hẹn lại lên, cứ vào hội Lim người dân xứ Kinh Bắc lại có dịp gặp gỡ, nói chuyện tâm tình với nhau bằng những làn điệu quan họ ngọt ngào và trữ tình. Mỗi câu hát, lời mời chào là những tâm sự, thể hiện niềm tự hào về tình yêu cuộc sống và hy vọng vào một năm mới sẽ mang lại sự may mắn, bình an cho mọi người. Chiếc áo tứ thân, khăn mỏ quạ, nón quai thao duyên dáng thướt tha bên những câu hát, nụ cười của những liền chị cùng chiếc áo the, khăn xếp đậm nét dân tộc của những liền anh càng trở nên tinh tế, lịch lãm và nồng nàn hơn qua giai điệu những câu hát: "Mấy khi khách đến chơi nhà/Lấy than, quạt nước tiễn trà người xơi /Trà này ngon lắm người ơi/ Người xơi một chén cho tôi bằng lòng". Theo quan niệm của người dân nơi đây, những làn điệu quan họ là di sản văn hóa, nét đẹp tâm hồn và là món quà tinh thần tuyệt vời, vì thế mà những câu hát như nói hộ những lời mời chào, lời chúc gửi đến du khách vui xuân trong dịp năm mới.