Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội nghị Cấp cao ASEAN 37: Kỳ vọng lớn vào hiệp định lớn

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 (ASEAN 37) và các cấp cao liên quan - sự kiện quan trọng nhất trong năm chủ tịch ASEAN của Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 12-15/11 theo hình thức trực tuyến.

Khẳng định quyết tâm chính trị mạnh mẽ
Tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN (AMM) sáng 10/11 nhằm chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN 37, các đại biểu thống nhất đánh giá ASEAN đạt được thành công trong xây dựng Cộng đồng, tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực. Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam, Chủ tịch ASEAN đã tích cực dẫn dắt Hiệp hội, gắn kết, chủ động vượt qua khó khăn, kiên định xây dựng Cộng đồng.
 Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN (AMM) họp trực tuyến sáng 10/11. Ảnh: BNG
Trao đổi về tình hình quốc tế khu vực, các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN đánh giá 2020 là một năm đầy thách thức, khó khăn và bất ổn với dịch bệnh Covid-19 bùng phát và lây lan trên diện rộng, cạnh tranh giữa các cường quốc chiến lược ngày càng gia tăng cùng các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng cho biết khi đề cập tới Biển Đông, "các ngoại trưởng cơ bản nhất trí Biển Đông tiếp tục là vấn đề nổi lên trong tình hình quốc tế và khu vực; nhiều hành động đơn phương, trong đó có quân sự hóa, đòi hỏi chủ quyền thiếu căn cứ, hành xử áp đặt vẫn tiếp diễn gây lo ngại đến hòa bình, ổn định trên Biển Đông nói riêng, khu vực nói chung". Trong bối cảnh này, các nước tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về hòa bình, ổn định trên Biển Đông, đề cao vai trò của luật pháp quốc tế, vai trò quan trọng của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 như khuôn khổ cho mọi hoạt động trên biển.
Các ngoại trưởng tiếp tục kêu gọi thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC), trông đợi ASEAN và Trung Quốc sớm xây dựng thành công Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Kỳ vọng lớn vào hiệp định lớn
Tại buổi họp báo trước thềm Hội nghị vào chiều 9/11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, trưởng đoàn quan chức cao cấp (SOM) ASEAN - Việt Nam nhấn mạnh, đây là dịp ASEAN đánh giá các hoạt động nội khối và đối ngoại cũng như định hướng trong tương lai.
Theo ông Nguyễn Quốc Dũng, Hội nghị lần này là dịp để lãnh đạo ASEAN khẳng định cam kết và quyết tâm chính trị mạnh mẽ nhằm duy trì hợp tác, ứng phó hiệu quả Covid-19, củng cố vai trò trung tâm và vị thế của ASEAN trong một thế giới đang chuyển động nhanh chóng, phức tạp và khó đoán định.
Trao đổi về một số vấn đề nóng dự kiến được bàn thảo tại Hội nghị lần này trong đó có tiến trình đàm phán của Hiệp định RCEP và triển vọng ký kết tại Hội nghị cấp cao ASEAN 37 lần này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết, đàm phán liên quan đến Hiệp định RCEP đã hoàn tất. Hiện nay, các nước tham gia đàm phán đang hoàn tất các thủ tục nội bộ để có thể ký kết. Nếu các thủ tục nội bộ của tất cả các nước hoàn tất kịp thời, lễ ký sẽ diễn ra trong ngày 15/11.
 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh
Hiệp định RCEP tốn nhiều năm để đàm phán, thương lượng, một khi được ký kết sẽ thể hiện tầm quan trọng, ý nghĩa lớn với khu vực, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay thế giới chịu tác động rất nhiều, rất mạnh của dịch Covid-19, làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng.Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhận định: “Việc ký kết hiệp định RCEP tạo sức bật mới, cú hích mới cho sự phát triển thương mại trong khu vực đặc biệt là giữa các nước tham gia ký kết ở khu vực. Việc ký kết này có ý nghĩa rất lớn, là mong đợi của tất cả các nước, có ý nghĩa rất lớn với Việt Nam, là chủ tịch ASEAN năm nay, chúng ta góp phần làm cho đạt được thỏa thuận và đi đến ký kết hiệp định mà được mong ước từ rất lâu”.
Là một hiệp định thương mại tự do quy mô lớn của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, RCEP khi được ký kết sẽ bao gồm 16 quốc gia trong một khối thương mại chiếm tới 1/3 GDP toàn cầu. Các nước tham gia RCEP có tổng dân số hơn 3,5 tỷ người và có giá trị thương mại hơn 1.000 tỷ USD (tương đương 29% giá trị thương mại toàn cầu).
Dự kiến có 20 cuộc họp quan trọng và nhiều hội nghị cấp cao liên quan được tổ chức với hơn 80 văn kiện sẽ được trình lãnh đạo thông qua - số lượng văn kiện lớn nhất từ trước đến nay.