Nước Mỹ hiện đảm trách cương vị chủ tịch luân phiên của G7. Dịch bệnh làm lu mờ hết tất cả những nội dung khác trên chương trình nghị sự của chính trị thế giới và làm suy giảm đáng kể vai trò cũng như ảnh hưởng của các tổ chức, thể chế hay khuôn khổ diễn đàn đa phương quốc tế hiện tại.
Ông Trump triệu tập hội nghị này trước hết để chứng tỏ là nước Mỹ trong năm chủ tịch luân phiên của khuôn khổ diễn đàn cũng có hoạt động bất chấp dịch bệnh chứ không phải chẳng làm gì. Dịch bệnh càng hoành hành dữ dội ở nước Mỹ thì ông Trump càng có nhu cầu cấp thiết chứng tỏ cho thế giới bên ngoài thấy là nước Mỹ không bị tê liệt bởi dịch bệnh.
Trên chương trình của cuộc gặp cấp cao trực tuyến đầu tiên của G7 này đương nhiên có chủ đề nội dung dịch bệnh và đối phó dịch bệnh. Không như thế sao được khi tất cả các thành viên của khuôn khổ diễn đàn này đều thuộc nhóm dẫn đầu thế giới và bỏ xa tất cả các nước khác và các vùng lãnh thổ trên thế giới về số lượng người nhiễm dịch bệnh và thiệt mạng vì dịch bệnh.
Tất cả các thành viên này cho tới thời điểm hiện tại đều chưa kiểm soát được diễn biến của dịch bệnh và đều vẫn còn rất lúng túng, bối rối và thậm chí cả bế tắc trong đối phó dịch bệnh này. Nhưng ai trong số ấy cũng đều biết rằng G7 không giúp được họ gì nhiều và các thành viên cũng chẳng thể giúp nhau được mấy. Trước đấy, bộ trưởng tài chính của các thành viên của G7 đã nhất trí kêu gọi các nước chủ nợ xoá nợ, giảm nợ hoặc hoãn nợ cho các nước vay nợ để khắc phục hậu quả tai hại của dịch bệnh.
Tại hội nghị này, ông Trump không nhận được từ các thành viên khác sự đồng tình ủng hộ cho quyết định ngừng đóng góp tài chính cho Tổ chức Y tế thế giới (WTO). Nhưng cả việc này chắc chắn cũng không gây bất ngờ gì cho phía Mỹ. Ông Trump đã đề cập đến quyết sách ấy từ trước đó mấy ngày và đấy đâu có phải là lần đầu tiên ông Trump quyết định ngừng đóng góp tài chính của nước Mỹ cho ngân quỹ hoạt động của các tổ chức của LHQ. Cho nên mối bất hòa này chỉ rất nhỏ trong G7 và hoàn toàn không ảnh hưởng tiêu cực gì đến hoạt động của G7.
Cho nên điều đáng được chú ý đến nhất ở sự kiện mới này của G7 xem ra lại là quan điểm của các thành viên G7 về Trung Quốc, về vai trò và trách nhiệm của Trung Quốc đối với việc để dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán và lây lan nhanh chóng ra thế giới bên ngoài cũng như về thế và lực của Trung Quốc sau dịch bệnh để thống nhất quan điểm về Trung Quốc và phối hợp hành động trong quan hệ của họ với Trung Quốc ngay ở thời dịch bệnh này cũng như thời sau đấy.
Các thành viên khác của G7 không tán thành và thậm chí còn lên án quyết định của ông Trump ngừng đóng góp tài chính của Mỹ cho ngân sách hoạt động của WHO nhưng trong thâm tâm đâu có phải hoàn toàn không có phê phán WHO và không lo ngại sâu sắc về vai trò, ảnh hưởng của Trung Quốc trong WHO. Các thành viên khác còn lặng in chứ Mỹ, Pháp và Anh đều đã công khai chĩa mũi nhọn tấn công trực tiếp vào Trung Quốc, dùng thuyết âm mưu về nguồn gốc dịch bệnh và đòi tiến hành điều tra về quá trình Trung Quốc phát hiện và ứng phó dịch bệnh. Mục đích của họ ở đây là tìm cách quy chụp mọi trách nhiệm về dịch bệnh cho Trung Quốc để ngăn cản Trung Quốc thành công với việc biến dịch bệnh này thành cơ hội để tăng cường vai trò và ảnh hưởng trên thế giới.
Dịch bệnh đã phơi bày một cách không thương tiếc những điểm yếu của tất cả các thành viên của G7 khiến tất cả bị sa sút cả thể diện lẫn uy danh trên thế giới và có thể bị yếu thế đi trong quan hệ với Trung Quốc ở thời kỳ sắp tới. Vì thế, dù Mỹ gây khó khăn cho WHO nhưng các thành viên khác của khuôn khổ diễn đàn này cũng thống nhất không để cho Trung Quốc tận dụng tình thế mới để gia tăng thêm nữa ảnh hưởng và vai trò trong WHO. So với mức độ đồng thuận quan điểm giữa các thành viên nhóm G7 với nhau về Trung Quốc thì sự bất hòa liên quan đến WHO lại chỉ là chuyện nhỏ.