Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Vì thế, Việt Nam luôn chủ động và tích cực thực hiện những cam kết quốc tế và nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Cùng với việc phê duyệt Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã ban hành kế hoạch thực hiện Thoả thuận, trọng tâm tập trung vào việc thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết (NDC).
Tại hội nghị, thông tin về Báo cáo đặc biệt của IPCC về tác động khi nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C và các vấn đề liên quan đến phát thải khí nhà kính toàn cầu đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo chuyên gia và giới truyền thông.
Phát biểu đề dẫn của Báo cáo đặc biệt, TS. Hoesung Lee - Chủ tịch IPCC cho biết, IPCC là cơ quan toàn cầu đánh giá khoa học liên quan đến biến đổi khí hậu. Tại COP21, IPCC được giao nhiệm vụ xây dựng báo cáo 1,5 độ C để các quốc gia xem xét tại Hội nghị lần thứ 24 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP24) được tổ chức tại Ba Lan vào tháng 12 năm nay. Báo cáo vừa được đại diện các quốc gia thảo luận tại Hàn Quốc, từ ngày 2 đến ngày 5/10/2018.
"Việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu lên 1,5 độ C sẽ đòi hỏi những thay đổi nhanh chóng, sâu rộng và chưa từng có trong tất cả các khía cạnh của xã hội. Với lợi ích rõ ràng đối với người dân và hệ sinh thái tự nhiên, việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu đến 1,5 độ C so với 20C có thể đi đôi với việc đảm bảo một xã hội bền vững và công bằng hơn", Chủ tịch IPCC Lee nhận định.
Theo Báo cáo đặc biệt của IPCC, ước tính, các hoạt động của con người đã làm nóng lên toàn cầu khoảng 1,0 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, với khoảng có khả năng là 0,8 độ C - 1,2 độ C. Nóng lên toàn cầu có khả năng đạt 1,5 độ C trong giai đoạn năm 2030 - 2052, nếu nhiệt độ tiếp tục tăng với tốc độ hiện tại.
Sự nóng lên là do phát thải từ các hoạt động của con người từ giai đoạn tiền công nghiệp đến hiện tại sẽ tồn tại hàng thế kỷ, thậm chí với hàng nghìn năm, và sẽ tiếp tục gây ra những thay đổi lâu dài trong hệ thống khí hậu, ví dụ mực nước biển dâng, các tác động đi kèm;... Vì vậy, việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu đến 1,5 độ C so với 2 độ C sẽ giảm tác động đến hệ sinh thái, sức khỏe con người để dễ dàng đạt được mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Báo cáo cũng nêu bật một số tác động của biến đổi khí hậu có thể tránh được, bằng cách hạn chế sự nóng lên toàn cầu 1,5 độ C so với 2 độ C, hoặc nhiều hơn. Ví dụ, đến năm 2100, mực nước biển dâng toàn cầu sẽ thấp hơn 10 cm với sự nóng lên toàn cầu là 1,5 độ C so với 2 độ C. Khả năng xảy ra băng tan ở Bắc Băng Dương trong mùa hè sẽ chỉ có một lần trong mỗi thế kỷ với sự nóng lên toàn cầu là 1,5 độ C, so với ít nhất một lần mỗi thập kỷ với mức tăng là 2 độ C. Rạn san hô sẽ giảm 70 - 90% khi nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C, trong khi hầu như tất cả (> 99%) sẽ bị mất đi khi nhiệt độ tăng 2 độ C.
Đánh giá về Báo cáo, bà Caitlin Wiesen, Giám đốc Quốc gia của UNDP tại Việt Nam nhận định, báo cáo của IPCC đã nhấn mạnh những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu mà có thể tránh được bằng cách hạn chế sự nóng lên toàn cầu thêm 1,5 độ C, nhưng thời gian hành động sắp hết.
"Đổi mới khí hậu là điều cần thiết, giống như cải cách kinh tế toàn diện Việt Nam đã triển khai từ 40 năm trước để giảm phát thải khí nhà kính và tạo công ăn việc làm xanh, hướng đến một xã hội có sức chống chịu và bền vững hơn”, bà nhấn mạnh.
Việt Nam là một trong những nước bị tác động lớn của biến đổi khí hậu. Các nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy: Biến đổi khí hậu làm gia tăng nguy cơ mắc sốt xuất huyết, tiêu chảy, tay chân miệng và tăng tỷ lệ nhập viện, nhất là người già và trẻ em. Thay đổi các điều kiện khí hậu có nguy cơ làm gia tăng các dịch bệnh, bệnh mới nổi như cúm AH5N1, H1N1, bệnh Zika. Dự báo trong tương lai có thể phát sinh thêm nhiều bệnh mới do tác động của biến đổi khí hậu - Đại diện Bộ Y tế cho biết tại hội nghị. |