KTĐT - Trong bài phát biểu thường kỳ trên đài phát thanh mới đây, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak hy vọng chương trình nghị sự của Hội nghị G20 vào tuần tới tại nước này sẽ tập trung vào 4 vấn đề: tỷ giá hối đoái; thiết lập mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu; cải cách các thiết chế tài chính toàn cầu và phát triển.
Liên quan đến mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu, Tổng thống Lee cho biết từ bài học khoảng 20.000 doanh nghiệp Hàn Quốc bị phá sản và hơn 1 triệu người mất việc làm khi nước này rơi vào khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1998, thế giới cần có một mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu để ngăn ngừa khủng hoảng thông qua hợp tác quốc tế.
Về vấn đề cải cách các thiết chế tài chính toàn cầu, Tổng thống Lee Myung-bak cho rằng, trong bối cảnh ảnh hưởng của các nền kinh tế mới nổi như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil đang gia tăng, các nền kinh tế này cần phải có tiếng nói tương xứng trong các tổ chức tài chính lớn như Qũy tiền tệ Quốc tế (IMF). Còn Tổng Giám đốc IMF Dominique Strass-Kahn trong bài phát biểu tại một hội nghị ở thành phố Agadir (Marocco) ngày 1/11 cũng nhấn mạnh: "Các nhà lãnh đạo G20 từng gặp nhau tại London (Anh), Pittsburgh (Mỹ), Toronto (Canada)… đã mạnh mẽ tuyên bố với thế giới rằng họ sẽ hành động để ổn định ngành tài chính. Nhưng thực tế lại phức tạp hơn nhiều. Các bên cần phải làm nhiều hơn về vấn đề giám sát quốc tế. Có hệ thống quản lý tốt nhất nhưng việc thực thi không được giám sát, nỗ lực của các nước sẽ trở nên vô ích".
Theo Tổng thống Lee Myung-bak, Hội nghị thượng đỉnh sắp tới có thể đạt được bước tiến lớn về tỷ giá hối đoái do các bên đã nhất trí "thúc đẩy các hệ thống tỷ giá hối đoái do thị trường quyết định nhiều hơn" tại Hội nghị các Bộ trưởng và Thống đốc ngân hàng G20 diễn ra cuối tháng trước tại Gyeongju, Hàn Quốc.
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của Tổng thống Lee, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Yoshihiko Noda cho biết Tokyo sẽ tiếp tục can thiệp lần thứ 2 để giảm giá đồng yên so với USD. Không những vậy, riêng ngày 2/11, Ngân hàng Trung ương
Rõ ràng, những động thái trên của Ngân hàng Trung ương các nước khiến cam kết không để xảy ra chiến tranh tiền tệ của các Bộ trưởng Tài chính nhóm G20 vừa qua chỉ là lý thuyết suông. Nếu Hội nghị Thượng đỉnh G20 tuần tới không đạt được một thỏa thuận mang tính quyết định thì nguy cơ tái diễn chiến tranh tiền tệ như thời kỳ hậu khủng hoảng năm 1930 là hoàn toàn có thật.